Thanh triều xử lý phi tần thế nào sau khi bỏ hủ tục tuẫn táng

Mặc dù không bị bức tử để chôn theo tiên đế, thế nhưng số phận của các phi tần Thanh triều liệu có may mắn hơn sau khi chế độ tuẫn táng bị xóa bỏ?

Hủ tục tuẫn táng được biết tới là một hủ tục xuất hiện rất sớm trong tiến trình của lịch sử văn minh nhân loại.

Theo Qulishi, hủ tục chôn người sống theo người đã chết này đặc biệt thịnh hành vào thời kỳ xã hội nô lệ. Tới thời kỳ phong kiến, không ít các vị quân chủ còn dùng nô tỳ hay thậm chí cả thê thiếp tuẫn táng cùng mình sau khi qua đời.

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa nói riêng, chế độ này đã từng tồn tại một thời gian tương đối dài, cho tới đầu thời nhà Thanh thì chính thức được phế trừ vĩnh viễn.

Vậy sau khi hủ tục chôn người sống theo người chết đã bị xóa bỏ, các phi tử trong hậu cung Thanh triều liệu sẽ được "xử lý" như thế nào nếu tiên đế băng hà?

Số phận của các phi tần Thanh triều sau khi bãi bỏ chế độ tuẫn táng

Sau khi chế độ tuẫn táng được xóa bỏ hoàn toàn, nhiều người cho rằng phi tử của cá Tiên đế sẽ có được kết cục viên mãn hơn. Thế nhưng trên thực tế, hậu vận của họ thế nào còn phải phụ thuộc vào vị Hoàng đế kế nhiệm.

Thông thường, đa số những phi tử không có địa vị hay con cái sẽ không được xuất cung mà được sắp xếp ở chung một chỗ và được triều đình cung cấp cơm ăn áo mặc.

Mặc dù không còn được hưởng cung điện riêng và kẻ hầu người hạ nhiều như trước kia, thế nhưng cuộc sống của họ cũng không còn cảnh tranh đấu khốc liệt như trước.

Công cuộc sống chung của các phi tần vì vậy mà trở nên nhẹ nhàng và thanh tịnh hơn hẳn so với khi Tiên đế còn tại thế. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi người kế vị tiếp theo đã được định, việc tranh đấu khi xưa tới giờ đây cũng chẳng còn lại bất kỳ ý nghĩa nào.

Trong số những người này, nhân vật có kết cục tốt đẹp hơn cả chính là kẻ chiến thắng sau cùng, cũng tức là người được tôn làm Thái hậu đương triều.

Bên cạnh đó, những người có số phận cũng tương đối may mắn chính là các phi tử trước kia sở hữu địa vị tương đối cao hoặc có con cái làm chỗ dựa.

Họ sẽ được Tân đế phong làm Thái phi, đặc quyền đặc lợi có lẽ chỉ xếp sau Thái hậu. Bằng chứng là tới thời Phổ Nghi, những Thái phi hầu hạ từ thời vua Đồng Trị, Quang Tự vẫn thường xuyên được Hoàng đế tới thỉnh an, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng được chăm lo hết sức đầy đủ và chu đáo.

Thế nhưng nếu không may trước kia có tị hiềm với Thái hậu đương triều hay Hoàng đế hiện tại, số ít các phi tử này sẽ bị lãng quên trong một xó xỉnh nào đó của hoàng cung để sống nốt phần đời còn lại.

Tuy nhiên kết cục này chung quy vẫn may mắn hơn nhiều so với những vị phi tử bị thất sủng hay phải chịu cái chết đầy tức tưởi trong những cuộc tranh sủng đẫm máu nơi hậu cung trước kia.

Nhìn chung chỉ cần có thể bảo toàn tính mạng cho tới sau khi Hoàng đế qua đời, số phận của các phi tử trong hậu cung nhà Thanh đều sẽ có kết cục không quá bi thảm, hoặc có đôi khi cuộc sống sau này của họ sẽ còn thoải mái, tự tại hơn nhiều so với khi Tiên đế còn tại thế.

Những thảm án tuẫn táng phi tử hiếm hoi nhưng đầy uẩn khúc của Thanh triều

Trên thực tế, tầng lớp thống trị của Mãn tộc xưa kia vẫn có truyền thống tuẫn táng. Thế nhưng những người bị chôn theo thường là số ít các thứ thiếp có thân phận thấp kém hoặc không có con cái.

Tuy nhiên trên thực tế, lịch sử Thanh triều vẫn ghi lại một vài trường hợp tuẫn táng đầy uẩn khúc của các phi tần trước khi chế độ này bị chính thức bãi bỏ.

Trong số đó, nổi tiếng hơn cả phải kể tới trường hợp của Đại phi A Ba Hợi – phi tần nổi tiếng nhất dưới thời Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.

Tương truyền rằng, A Ba Hợi lúc sinh thời được Nỗ Nhĩ Cáp Xích sủng ái vô cùng. Thế nhưng chính tình yêu của vị quân chủ này đã buộc bà phải kết thúc cuộc đời trong bi kịch.

Năm 1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đột ngột lâm bệnh nặng. Trước lúc qua đời, ông đặc biệt dặn dò muốn Đại phi A Ba Hợi phải tuẫn táng cùng mình. Cũng bởi vậy mà ngay sau khi Tiên đế băng hà, vị Đại phi này bị chính những người con của chồng mình bức tử để tiến hành nghi lễ tuẫn táng trong lễ tang.

Năm ấy, Đại phi A Ba Hợi mới 37 tuổi, còn người con trai ruột là Đa Nhĩ Cổn của bà cũng chỉ mới lên 15 tuổi.

Cho tới ngày nay, vẫn có không ít người cho rằng cái chết của A Ba Hợi thực chất là kết quả của hàng loạt âm mưu chính trị nhằm tranh quyền đoạt vị trong nội bộ hoàng tộc thời bấy giờ.

Bên cạnh trường hợp của Đại phi A Ba Hợi, Thanh triều còn có một vị phi tử khác tình nguyện xin tuẫn táng. Đó chính là Trinh phi của Thuận Trị đế.

Trinh phi chính là em họ của Đổng Ngạc phi – người được Thuận Trị đế say mê nhất lúc sinh thời. Sau khi Đổng Ngạc phi qua đời, Thuận Trị chẳng bao lâu sau cũng mất vì bệnh tật.

Cái chết đột ngột của vị Hoàng đế trẻ si tình đã khiến mẫu thân của ông là Hiếu Trang Hoàng Thái hậu hết sức giận dữ và phẫn nộ.

Vị Thái hậu này từ sớm đã không vừa mắt Đổng Ngạc phi. Vì vậy việc chứng kiến con trai u uất rồi lâm bệnh qua đời vì tình yêu đối với người phi tử ấy đã khiến bà càng thêm phẫn nộ.

Để dập tắt lửa giận của Thái hậu và bảo toàn cho gia tộc của mình, Trinh phi lấy thân phận là em họ của Đổng Ngạc phi đã xin tuẫn táng theo Thuận Trị để đổi lấy sự khoan hồng.

Sau này khi Khang Hi kế vị, Trinh phi đã được truy phong làm Hoàng Khảo Trinh phi. Cũng từ năm Khang Hi thứ 12 (tức năm 1673), chế đô tuẫn táng chính thức được vị Hoàng đế này bãi bỏ. Kể từ đó về sau, hủ tục ấy cũng chính thức biến mất trong dòng chảy của lịch sử Trung Hoa.

Theo Danviet

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/thanh-trieu-xu-ly-phi-tan-the-nao-sau-khi-bo-hu-tuc-tuan-tang-1482208.html