Thành tựu mỹ thuật Thủ đô
Vì những lý do khách quan, giai đoạn I của 'Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến' ra mắt năm 2010, mảng sách văn học - nghệ thuật còn thiếu một lĩnh vực quan trong là mỹ thuật.
Nhằm bổ khuyết cho sự trống vắng đó, giai đoạn II của Tủ sách, Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội”.
Từ xưa, ông cha ta đã luôn trau chuốt mọi đồ mộc, đan lát, gốm sứ, trang phục… Mỗi thời có một quan niệm về cái đẹp chưa chắc đã giống nhau khiến cho các “tay chơi” cổ vật ngày nay “say như điếu đổ” và nâng niu như một cái chén, bát, đĩa, lọ, nồi đất… cổ dù hiếm khi lành lặn.
Do thiên tai và địch họa triền miên, Việt Nam đã chịu mất mát vô số công trình và sản phẩm tinh hoa của cha ông. Nhưng may mắn đôi khi vẫn xuất hiện vì những hiện vật đó chìm vào trong lòng đất hay có dân bảo vệ, giữ gìn mà ngày nay chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng, đơn cử như tượng người đàn ông Văn Điển (cách đây 4.000 năm), trống đồng Cổ Loa (cách đây khoảng 2.500 năm); các tượng đất nung đầu rồng, phượng và uyên ương của hoàng cung nhà Lý (cách đây gần 1.000 năm), rồng đá thềm bậc điện Kính Thiên (cách đây hơn 500 năm), các bia tiến sĩ Văn Miếu (cách đây khoảng từ 250 năm đến 550 năm).
Trên cơ sở đó, NXB Hà Nội biên soạn cuốn sách “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội” nhằm bước đầu tổng kết những chặng đường lịch sử lâu dài và giới thiệu những thành tựu mỹ thuật đáng tự hào của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Cuốn sách do nhóm tác giả là những nhà nghiên cứu mỹ thuật chủ trì biên soạn gồm: Nguyễn Đức Hòa (chủ biên), Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Đức Bình. Cuốn sách bao gồm 4 phần. Phần 1 “Mỹ thuật thời Tiền Thăng Long (từ sơ kỳ đồ đồng 2.000 năm trước công nguyên đến 1009 sau công nguyên). Phần này có tính chất dẫn thuật, giới thiệu mỹ thuật thời kỳ trước định đô qua các hiện vật khảo cổ khai quật được, có niên đại trước năm 1010.
Phần II “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội giai đoạn 1010 - 1883” giới thiệu mỹ thuật trên đất Thăng Long kể từ thời lập đô năm 1010. Phần III “Mỹ thuật Hà Nội giai đoạn 1884 - 1945”. Ở giai đoạn này, mỹ thuật Hà Nội đã có nhiều ảnh hưởng và tiếp thu từ nền mỹ thuật hiện đại phương Tây, cả về hình thức, thể loại và chất liệu thể hiện. Phần IV “Mỹ thuật Hà Nội từ 1945 đến nay” giới thiệu sự phát triển và những thành tựu của mỹ thuật Hà Nội từ thời ra đời nhà nước dân chủ Nhân dân.
Cuốn sách “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội” bước đầu tổng kết những chặng đường lịch sử lâu dài và giới thiệu những thành tựu mỹ thuật đáng tự hào của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sach-trong-tuan-thanh-tuu-my-thuat-thu-do-360886.html