Thành tựu ngành thủy sản sau 30 năm tái lập tỉnh

Kết thúc năm 2021, tỉnh Sóc Trăng thành công rực rỡ trong vụ tôm nuôi nước lợ, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 1 triệu USD. Đó được xem là thành tựu nổi bật của ngành thủy sản Sóc Trăng chào mừng 30 năm tái lập tỉnh. Tại Sóc Trăng, thành quả nuôi tôm nước lợ đã trở thành điểm sáng của tỉnh, với sản lượng tôm nuôi ước đạt gần 190.000 tấn/năm, tăng gấp nhiều lần so với những năm đầu tái lập tỉnh (năm 1992).

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, việc nuôi trồng thủy sản, trong đó có tôm nuôi nước lợ tăng về diện tích nuôi và sản lượng tôm nuôi là nhờ vào sự quan tâm và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục Thủy sản, UBND tỉnh, các sở, ban ngành cùng sự phối hợp của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh; cùng với sự sáng tạo trong sản xuất của doanh nghiệp, người nuôi trong chung tay phát huy thế mạnh địa phương, vượt qua những khó khăn trong những năm đầu phát triển “nghề nuôi tôm”. Từng bước hình thành các vùng nuôi tôm quy mô lớn và chuyển dần hình thức nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao, từ đó sản lượng tôm nuôi tăng vượt trội so với nuôi tôm truyền thống.

Tôm nuôi nước lợ được xác định là kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Tôm nuôi nước lợ được xác định là kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Để tìm hiều về những kết quả đạt được của bà con gắn bó với con tôm nuôi nước lợ qua mấy mươi năm tái lập tỉnh, chúng tôi có dịp gặp gỡ và được ông Tăng Văn Xúa, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tâm sự: “Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã thả nuôi tôm được 24 năm. Thời điểm bắt đầu nuôi tôm, tôi là một trong những hộ đầu tiên tại xã phát triển loài thủy sản này, vì lúc đó tôi chỉ tận dụng mấy đìa quanh nhà để thả tôm sú, diện tích chỉ tầm 1.000m2 cho 3, 4 đìa nuôi. Chỉ sau một vụ tôm sú, thấy hiệu quả kinh tế con tôm sú đem về rất tốt, tôi đã quyết định chuyển đổi 2ha đất lúa canh tác kém hiệu quả sang đào ao nuôi tôm. Cứ thế theo từng năm, tôi mở rộng diện tích thả nuôi tôm sú, đến năm 2006 diện tích tăng lên 6ha và duy trì việc nuôi tôm sú bằng ao đất. Cho đến năm 2016, tôi nhận thấy cần chuyển đổi hình thức nuôi tôm để có nguồn thu nhập tốt hơn nên tôi quyết định làm hệ thống ao lót bạt xiphông cho toàn bộ diện tích nuôi tôm 6ha tại gia đình và thả giống tôm thẻ để nuôi từ 2 - 3 vụ/năm”.

Cũng theo ông Xúa, thông qua việc chuyển đổi nuôi tôm bằng ao lót bạt, sản lượng tôm tăng lên đáng kể. Nếu như nuôi tôm ao đất 1 năm thu hoạch là 1,4 tấn/ha thì nuôi ao lót bạt sản lượng tôm thẻ thu về 6 tấn/ha/năm và tôm thẻ thả nuôi từ 2 - 3 vụ/năm, đem lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Với diện tích nuôi 6ha tôm sú, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận thu về từ 1,5 - 3 tỉ đồng/năm. Sở dĩ việc nuôi tôm sú thuận lợi như trên là nhờ sự đầu tư của Nhà nước về hệ thống thủy lợi, đảm bảo việc cấp thoát nước cho vùng nuôi…

Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, thành công của ngành thủy sản không chỉ về việc khai thác thủy, hải sản, sản xuất ra sản lượng tôm nuôi nước lợ lớn bằng cách quy hoạch vùng nuôi (tăng diện tích nuôi tôm), ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi mô hình nuôi truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao, đầu tư hệ thống thủy lợi cùng các cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm nước lợ, mà thành công đó còn có sự góp phần của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản để đem về nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh. Thống kê của đơn vị hiện có khoảng 13 công ty chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu quy mô gần 162.000 tấn/năm. Các nhà máy được đầu tư chiều sâu với trang thiết bị hiện đại nên đóng góp phần lớn trong tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, thị trường xuất khẩu khoảng 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, tỉnh có 38 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế biến, chế biến thủy sản nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu nội địa và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản khác, với công suất khoảng 250 tấn/năm và chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu thủy sản đạt 63 tấn/năm.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, ngành thủy sản Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu tốt đẹp, minh chứng qua thực tế là mùa vụ nuôi tôm năm 2021 của tỉnh thành công về diện tích, sản lượng, đã phát huy hiệu quả tốt công tác lãnh, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong nuôi trồng thủy sản. "Để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 tiếp tục đạt kết quả tốt, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh, các ngành liên quan, địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt sản xuất trong tình hình dịch bệnh và quản lý chặt 3 yếu tố như đầu vào, tổ chức sản xuất, liên kết đầu ra sản phẩm; thành lập các tổ hợp tác thu hoạch, vận chuyển tôm; đánh giá các mô hình nuôi tôm ao bạt; thực hiện công tác quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh…" - đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/thanh-tuu-nganh-thuy-san-sau-30-nam-tai-lap-tinh-55040.html