Thành viên mới UPCoM, doanh nghiệp ngành tái chế giấy Miza (MZG) có gì?
Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 12/11 là ngày đầu tiên hơn 99,9 triệu cổ phiếu MZG của CTCP Miza được giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 11.900 đồng/CP.
CTCP Miza được thành lập năm 2010 theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội với số vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 10 tỷ đồng. Sau 14 năm hoạt động với 8 lần tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông và trả cổ tức bằng cổ phiếu, đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của Miza được tăng lên hơn 999 tỷ đồng.
Miza đang có kế hoạch phát hành thêm gần 6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 6%. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 sau khi được UBCKNN chấp thuận. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ nâng lên gần 1.060 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, căn cứ theo danh sách cổ đông chốt tại ngày 26/07/2024, số lượng cổ đông của MZG là 363 cổ đông. Gần 45% vốn MZG nằm trong tay lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan, riêng 39,1% thuộc về vợ chồng ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MZG. Như vậy, tỷ lệ freefloat của MZG trên thị trường sẽ là trên 50%.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo quý III/2024, Miza đạt hơn 1.090 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt gần 20,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 3,4 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng 2024, MZG đạt 3.121 tỷ đồng doanh thu thuần và 45,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 40% và 29% so với cùng kỳ.
Năm 2024, MZG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 3.394 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 63,5 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 5,3% và 1,66% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, sau 9 tháng 2024, MZG đã hoàn thành lần lượt 92% và 71% các chỉ tiêu năm.
Ban lãnh đạo MZG cho biết, dựa trên kế hoạch kinh doanh của Công ty qua các năm, các hợp đồng đã ký kết, thay đổi cơ cấu mặt hàng giúp tăng doanh thu và tiết giảm chi phí, Công ty có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Cụ thể, MZG kỳ vọng từ việc tăng doanh thu từ Nhà máy tái chế giấy Miza Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau khi tăng công suất nhà máy lên 120.000 tấn/năm vào năm 2023. MZG cũng sẽ tăng doanh thu, sản lượng từ việc sản xuất và mở rộng thị trường giấy chất lượng cao Kraftliner. Đây là sản phẩm mới được MZG gia tăng tỷ trọng từ năm 2023, có giá bán tốt, nhu cầu cao với biên lợi nhuận gộp mảng thành phẩm 6 tháng 2024 đạt 26%, cao hơn 2 sản phẩm chủ lực là Testliner (14,6%) và Medium (9,5%). MZG cũng hướng đến mở rộng thêm các mảng thương mại giấy, phôi carton… giúp tăng doanh thu từ 3 – 5%/tháng.
Về đầu ra, Miza chủ yếu phân phối sản phẩm tại thị trường nội địa, tập trung chủ yếu ở miền Bắc. Năm nay, Miza đã ký kết hợp đồng giá trị lớn với các đối tác trong nước như Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T&T Nghi Sơn với giá trị 2.825 tỷ đồng; 784 tỷ đồng với Công ty TNHH Chung Phát – Hưng Yên; 750 tỷ đồng với CTCP Vina Dung Quất; 500 tỷ đồng với Công ty TNHH Bao bì Packco Việt Nam và nhiều đối tác khác nhằm phân phối các sản phẩm chủ lực của MZG như giấy Medium, Testliner.
Với xuất khẩu, thị trường chính của MZG là Trung Quốc. Trong giai đoạn tới, MZG muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Banglades, Cuba… với giá bán cao hơn thị trường Trung Quốc từ 5 – 10% nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Miza dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức ổn định và cao trong 5 năm tới, nhờ vào việc gia tăng công suất sản xuất, mở rộng danh mục sản phẩm giấy bao bì cao cấp. Trong đó, MZG đang triển khai đầu tư dây chuyền sản xuất giấy bao bì số 2 – giai đoạn 2 tại nhà máy Miza Nghi Sơn nhằm nâng tổng công suất lên trên 240.000 tấn/năm. Tổng số vốn MZG dự kiến đầu tư là hơn 1.059 tỷ đồng, hoàn thành vào quý IV/2025.
Về sức khỏe tài chính, tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản hợp nhất của MZG đạt mức 4.308 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 2.384 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, riêng nợ vay chiếm xấp xỉ 80% tổng nợ. Vốn chủ sở hữu ở mức 1.234,6 tỷ đồng.