Thanh Vũ và chuyện kể về người nữ châu Á đầu tiên tham dự giải ba môn phối hợp khắc nghiệt nhất hành tinh
Phải hoàn thành được chặng bơi 38km, đạp xe 1.800km và chạy 422km - tương đương gấp 10 lần một cuộc thi 3 môn phối hợp trialthlon tiêu chuẩn như Ironman, Thanh Vũ để bước lên ngôi vị cao nhất dành cho nữ tại giải trialthlon khắc nghiệt nhất hành tinh Deca-Triathlon World Championship (SwissUltra 2022). Cô gái được nhiều người ngưỡng mộ ví như 'siêu nhân' có cuộc chia sẻ với báo Tin tức về hành trình của ý chí và những con người truyền cảm hứng mà cô gặp trên hành trình thi đấu tại Thụy Sỹ.
Đối với tôi và tôi tin là mỗi người tham gia các cuộc thi tốc độ, thử thách sức bền như triathlon hay chạy marathon đều cảm nhận được, các cuộc thi giống như một cuộc sống thu nhỏ. Bạn trải qua 14 ngày, 10 ngày, 7 ngày hay thời gian hoàn thành 42km với nhiều cung bậc cảm xúc, có khi là cảm giác tự tin mình có thể chinh phục được cả thế giới, cũng có lúc cảm thấy kiệt quệ, nghi ngờ bản thân, cảm thấy mình có thể không xứng đáng tham gia các cuộc thi khắc nghiệt như thế này…
Bởi vậy, tôi đến với các cuộc thi không quá chú trọng về thành tích hay việc thể hiện về sức mạnh thể chất mà là để thu nhận những bài học về tinh thần.
Trên đường đua, chỉ có mình là người hiểu bản thân nhất. Những quyết định tiếp tục hay dừng lại là cuộc trao đổi của chính bản thân mình, để mình hiểu hơn về cơ thể, con người mình. Dừng lại không có nghĩa là kết thúc, nó giống như kết thúc một chương trong cuốn sách dài. Nhưng dừng lại cũng cho mình hiểu hơn trong khoảnh khắc đó mình đã làm tốt hay chưa, đã cố hết sức chưa.
Từ những kinh nghiệm tham gia các cuộc đua, tôi muốn chia sẻ cho cộng đồng, giúp mọi người có thêm niềm tin người Việt có thể làm được.
Mọi người thường nhìn những người thi đấu thể thao đẹp như người mẫu trên các trang báo nhưng tại cuộc thi khắc nghiệt như ở đây, có cả những vận động viên mập mạp, có cả những vận động viên trên 60 tuổi. Khi mình nhập cuộc mới hiểu ý chí của con người thật mạnh mẽ và tôi nghĩ rằng ai cũng có thể làm được nếu có đủ quyết tâm.
Và tôi cũng hiểu rằng con người tuyệt vời như thế nào. Tôi tự hào là nhà vô địch nữ tại SwissUltra 2022 nhưng trong suốt khoảng thời gian tham gia giải tôi đều có cảm giác ngưỡng mộ những con người ở đây. Rất nhiều người góp mặt tại giải này đang nắm giữ hoặc vừa phá kỷ lục thế giới ở cự ly họ tham gia.
Clip Thanh Vũ chia sẻ những kỷ niệm khi tham dự giải ba môn phối hợp khắc nghiệt nhất hành tinh:
Như trường hợp cô Zacharias Nadine - vận động viên năm nay 60 tuổi tham gia cuộc đua với sự tập trung rất cao. Cô là trường hợp tiêu biểu cho thấy chúng tôi không phải là siêu nhân. Cô đến với trialthlon ở tuổi 50 sau khi phẫu thuật xong ung thư vú. Và gần 1 thập kỷ cô tham gia rất nhiều giải đấu 3 môn phối hợp siêu bền và không ngừng vượt qua chính mình. Và nếu không phải cô bị phồng rộp chân trên đường chạy thì chặng đường đến với chiến thắng của tôi hẳn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Và tôi ước mình vẫn có thể thi đấu tới năm 60, thậm chí là 70 tuổi, ở tuổi đó vẫn có thể “bắt” những người trẻ phải nỗ lực hết sức để không bị vượt qua.
Tôi cảm thấy rất khác giữa các giải. Mỗi giải đều có đặc trưng, tính chất và trải nghiệm khác nhau nên thật khó để so sánh. Ví dụ như khi thi đấu ở hoang mạc, tôi phải mang theo mọi thứ mình cần vì bốn bề chỉ là cát. Có rất ít lựa chọn về dinh dưỡng, về tư trang, đồ dùng cá nhân và mình buộc phải tự tìm cách sinh tồn và vượt qua. Còn ở SwissUltra, giải diễn ra trong một khu vực gần thị trấn và mọi vận động viên đều được hỗ trợ tận tình từ đội ngũ tình nguyện viên.
Nhưng ngược lại, giải này có áp lực thời gian hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, do thi đấu trong một khu vực nên nhàm chán là cảm giác nhiều vận động viên gặp phải. Nhiều người không chịu được vòng lặp bơi đi bơi lại 38km trong bể dài 50m, chạy 422km trên quãng đường chỉ dài 1,2km hay đạp xe quanh một khu vực có độ dài chỉ 9km và phải mất 200 vòng để hoàn thành 1.800km.
Đối với tôi, thử thách là cuộc sống, là lối sống, giúp đem lại nhiều giá trị cho bản thân và cộng đồng của mình. Mọi người thường quan niệm đến 30 tuổi là hết khả năng thi đấu thể thao đỉnh cao. Tuy nhiên các giải đấu như thế này cho tôi thấy con người có tiềm năng thể thao lâu dài và hãy cho mình cơ hội để phát triển hết khả năng.
Nội dung khó khăn nhất với tôi là đạp xe vì đây không phải sở trường của tôi. Thường khi ở nhà tôi chỉ đạp máy trong phòng tập chứ ít có cơ hội trải nghiệm đường trường.
Tại SwissUltra 2022, đường đạp xe cũng khó, hẹp và nguy hiểm khi nhiều đoạn hai bên là vực dẫn thẳng xuống sông và thung lũng. Những góc cua gắt ngay sát bên những tảng đá lớn. Thời tiết cũng khắc nghiệt, khi mưa thì lạnh như nước đá tạt vào người, còn nóng thì muốn cháy da cháy thịt. Tất cả diễn ra trên con đường dù có khung cảnh rất đẹp không cho phép các vận động viên được lơ là, sai sót.
Tuy nhiên, thử thách khắc nghiệt nhất phải là thử thách vượt qua về tâm lý, sự tự ti của bản thân. Dù cố gắng chuẩn bị tốt nhất có thể nhưng tới nơi tôi mới thấy mình non yếu nhất, không có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, các vận động viên khác đều đã tham dự nhiều giải siêu bền Deca (chặng đua dài gấp 10 lần chặng phổ thông), có người đang nắm giữ kỷ lục thế giới số lượng người có nhiều giải nhất. Tôi có chút lo ngại không biết mình có thể dấn thân được vào sân chơi quá lớn với mình không.
Lúc này, bản thân tôi lại tự trấn tĩnh bản thân rằng mình cũng đã cùng vượt qua nhiều khó khăn và không thể để nỗi sợ hãi lấn át bản thân và bỏ cuộc khi chưa nỗ lực hết sức.
Thực sự thì trong suốt quá trình tham gia giải này và mọi giải khác, tôi chưa khi nào muốn bỏ cuộc. Khát khao của tôi là chinh phục và tôi muốn nỗ lực đến cùng. Tuy nhiên cũng có những thời điểm tôi cảm thấy gục ngã và rơi vào bế tắc. Đó là khi hai chân chạy nữ huyền thoại Shanda Hill (Canada) và Marion Rita (Đức) phải chịu DNF (Did Not Finish, tạm dịch: không hoàn thành) vì chấn thương và lý do sức khỏe. Khi đó, tôi đang thi đấu ở những km cuối cùng ở nội dung đạp xe đầy khó khăn.
Khi đó, do thời tiết xấu, tôi chỉ đạp được 91km thay vì 270km như dự định ban đầu. Bế tắc và lo lắng mai thời tiết xấu sẽ khiến mình không thể hoàn thành cự ly đạp của ngày hôm sau và phần bù cho ngày hôm nay khiến tôi òa khóc. Tôi đã khóc, không phải là yếu đuối mà muốn tự giải tỏa để bình tĩnh tìm giải pháp cho hôm sau.
Đó cũng là lúc tôi gặp được những câu chuyện truyền cảm hứng, đầy tình người từ cộng đồng triathlon.
Thông thường các vận động viên có thể có ê kíp hỗ trợ từ 1 - 5 người. Tuy nhiên, do cuộc đua kéo quá dài nên người hỗ trợ của tôi chỉ có thể đồng hành nửa đầu cuộc đua. Ở nửa sau, chính cô Zacharias Nadine đã trở thành bạn đồng hành hỗ trợ cho tôi.
Ở những vòng đạp xe cuối, chính ê kíp hỗ trợ của đội tuyển Ba Lan (sau khi đã hoàn thành việc hỗ trợ các nam vận động viên trong đội) là những người tình nguyện đạp xe kèm tôi một vài vòng cho đỡ buồn ngủ khi đạp xe trong đêm. Và qua câu chuyện với đội ngũ hỗ trợ đầy kinh nghiệm này, tôi được truyền cảm hứng, được hiểu hơn về chuyện phía sau thành công của những ngôi sao trong làng thể thao siêu bền.
Hay câu chuyện của vận động viên 29 tuổi Lagarde Thomas (Pháp). Anh có thành tích tốt trong suốt cuộc thi tuy nhiên bị chấn thương rộp chân ở nội dung chạy. Biết mình không thể hoàn thành cuộc đua theo thời gian quy định nhưng Thomas vẫn chạy hết sức có thể sao cho hoàn thành nhiều vòng đua nhất trong đêm trước thời điểm cuộc đua dừng lại.
Từ đây, tôi như thức tỉnh và thực sự trải nghiệm trọn vẹn SwissUltra 2022 - cuộc đua khắc nghiệt nhất hành tinh bằng niềm vui. Tôi hiểu, không ai tham dự thi đấu muốn dừng lại, họ đều muốn hoàn thành cuộc đua, vượt qua chính mình. Chúng tôi đến với cuộc đua không phải hành xác hay làm đau bản thân như nhiều người vẫn nghi hoặc mà là để tìm hiểu xem mình làm được điều gì, vượt qua khó khăn, thử thách nào.
Thanh muốn truyền tải thông điệp "Không gì là không thể", để mỗi bạn trẻ có đủ can đảm bước tới. Việc trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình là điều mình luôn luôn giữ vững trong lòng. Thanh hy vọng từ câu chuyện của mình, các bạn trẻ giỏi giang và táo bạo của Việt Nam có thể được truyền cảm hứng để vươn xa hơn, bay cao hơn... trở thành niềm tự hào của gia đình, của đất nước.
Từ tháng 11/2021, Thanh tối giản cuộc sống để tập trung cho giải này. Tôi cho rằng đây là lựa chọn cần thiết và không cảm thấy thiếu thốn và quyết định chấp nhận được. Trung bình tôi tập luyện 17 tiếng mỗi ngày vì thế giờ làm việc của tôi cũng thay đổi cho phù hợp để hoàn thành hết công việc ở công ty.
Nhiều người cho rằng việc luyện tập liên tục có thể gây buồn chán hay cô đơn, nhưng khi tôi đã quyết tâm với mục tiêu rõ ràng thì không hề cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt. Bù lại, khi có thời gian dành cho gia đình, bạn bè thì dù ngắn ngủi tôi cũng dành cho họ trọn vẹn mà không để bị phân tâm bằng các thiết bị điện tử hay công việc.
Tôi biết đến Deca-Triathlon World Championship từ năm 2019 và vì thế khi quyết định đến với cuộc thi là khi tôi thấy mình đủ sức để “ngốn” tất cả các nội dung thi đấu siêu bền.
Cụ thể, tôi tự giả định một cuộc đua 3 ngày mô phỏng phiên bản ngắn các nội dung đua như bơi bể 50m đạt đủ 27km, leo cầu thang cường độ cao như đạp xe…
Về chế độ dinh dưỡng, tôi cũng tính toán và lên kế hoạch cơ thể cần bao nhiêu dinh dưỡng bao gồm calo, protein, chất béo, tinh bột từ đâu, khoáng chất sau mỗi vòng đua, sau mỗi lần nghỉ ngắn, nghỉ dài để lên kế hoạch nạp năng lượng từ đâu, từ thực phẩm nào để hấp thụ cho đủ.
Tôi không chờ đến khi thiếu nước hay tụt muối mà ngay cả khi không thèm ăn (do trời nắng gây mệt), không khát nước (do trời lạnh, cơ thể ít ra mồ hôi) tôi cũng nạp đủ năng lượng cơ thể cần để đáp ứng cho cuộc đua. Cụ thể, các bữa ăn nhỏ có thể là những phần protein - hạt chia dạng gel, nước điện giải và nước lọc. Các bữa ăn lớn có thể là trứng làm nhuyễn, cải bỏ xôi, cá nhùi xông khói…
Kỷ luật cả việc ăn, nghỉ đầy nghiêm túc này đã giúp tôi tăng sức bền và đáp ứng tốt nhất cho các cuộc đua mình tham dự.
Điều đầu tiên sẽ làm khi trở về Việt Nam là đi ăn bún bò với đám bạn (cười). Không rõ vì sao tôi luôn thấy thèm những món ăn ngon của người Việt từ lúc đặt chân lên máy bay đến các vùng đất mới.
Sau đó là đi làm để xử lý công việc trong 2 tuần vừa qua. Lãnh đạo Tân Hiệp Phát đã cho phép người của công ty có thể tham dự các giải đua dài ngày và tôi đáp lại niềm tin của công ty bằng cách đem năng lượng, nhiệt huyết trên đường đua trở về với công việc.
Trở lại với câu chuyện truyền cảm hứng cho người trẻ, bất kỳ người trẻ nào cũng có sự nôn nóng nhất định khi không nhận được kết quả ngay, không nhận được lời khen, không nhìn thấy được giá trị công việc mình làm ngay lập tức.
Từ kinh nghiệm bản thân, Thanh thấy để không bị nản với những vòng lặp, không thú vị, chúng ta cần đặt vào bối cảnh có mục tiêu lớn hơn cho bản thân, thách thức bản thân mỗi ngày. Khi cuộc sống đủ áp lực sẽ không còn thấy sự nhàm chán. Như với Thanh, mục tiêu trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên hoàn thành thử thách này và mong muốn truyền cảm hứng cho người Việt Nam nhiều hơn nữa đã giúp tôi đi tiếp - không bao giờ muốn dừng lại.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu buồn, chán hay nghĩ về lý do vì sao mình làm điều đó, giá trị mình tạo ra thì sẽ dám làm điều khác biệt.
Trong tương lai, Thanh muốn tiếp tục chinh phục các giải thể thao khu vực và quốc tế để quảng bá hình ảnh con người Việt Nam, đem lại dấu ấn trên bản đồ thế giới về bản lĩnh, ý chí của con người Việt Nam. Từ việc tham dự các hoạt động cộng đồng quy mô lớn, Thanh mong muốn sẽ có những tác động tích cực đến các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ châu Á.
Bài, clip: Lê Sơn/Báo Tin tức (thực hiện)
Ảnh: SwissUltra 2022
Trình bày: Tuệ Thy
03/09/2022 06:45