Thanh xuân thầm lặng của nữ điều dưỡng ở 'làng thương binh'

Hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa (phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn), nữ điều dưỡng Mai Thị Hiền (SN 1965) luôn tận tâm chăm sóc những thương, bệnh binh như người thân của mình.

Vợ chồng anh Lê Đình Lâm và chị Mai Thị Hiền.

Vợ chồng anh Lê Đình Lâm và chị Mai Thị Hiền.

Từ ngày nghỉ chế độ, chị Mai Thị Hiền buôn bán thêm để phụ giúp kinh tế gia đình. Nhắc đến Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa, nơi đã trải qua cả tuổi thanh xuân của mình, chị Hiền chia sẻ: Chị là con của gia đình có công với cách mạng, quê ở xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn. Năm 1985, sau khi học hết lớp 10/10, chị được tuyển đi làm công nhân ở xí nghiệp chiếu cói Nga Sơn. Năm 1987, xí nghiệp chiếu cói Nga Sơn giải thể, chị cùng với 30 công nhân khác được điều chuyển về Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa.

Về trung tâm công tác, với vai trò của một nữ điều dưỡng, chăm sóc các đối tượng thương, bệnh binh nặng, người có công với cách mạng, chị Hiền cho biết: “Nếu không có tình yêu mãnh liệt, tận tụy với công việc thì khó lòng cống hiến hết mình với nghề điều dưỡng tại một nơi đặc thù mà mọi người vẫn gọi là “làng thương binh”. Theo chị, ở nơi đó, người điều dưỡng không chỉ làm công tác về chuyên môn mà còn đóng vai trò là người thân, người bạn, tâm sự, chia sẻ với những thương, bệnh binh. Chị dành tình thương cho những thương binh bị chấn thương sọ não, đầu óc không còn minh mẫn, có người vẫn nghĩ mình đang ở chiến trường, đang cùng đồng đội hành quân; có người lại la khóc, gào thét rồi có lúc lại mắng chửi, giận hờn...

“Có thời gian tôi bị khủng hoảng về tinh thần, bởi công việc quá áp lực, nhưng bỏ nghề thì không đặng. Nhìn ánh mắt thất thần của những thương binh bị tâm thần, hay những cái nắm tay, cơn đau dày vò của những thương, bệnh binh mang trên mình vết thương tổng hợp, tôi nhận ra rằng mình thuộc về nơi đây”, chị Hiền chia sẻ.

Cũng thông qua chị Hiền, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình đồng đội, về tình bạn, tình yêu. Nhưng có lẽ, những câu chuyện tình yêu giữa các điều dưỡng viên với các thương, bệnh binh vẫn luôn là câu chuyện đẹp nhất. Trong số những câu chuyện tình yêu đẹp đẽ ấy có câu chuyện tình yêu của chị và thương binh 81% hạng đặc biệt Lê Đình Lâm, đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc đặc biệt.

Anh Lâm là thương binh thuộc khoa tổng hợp ở trung tâm. Nhớ về tuổi 20 của mình, anh Lâm kể, tháng 2-1979 anh đi bộ đội, tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc. Đến tháng 4-1981 trong một lần địch tràn qua núi, đánh sập hầm, anh cùng nhiều đồng đội bị thương. Sau khi bị thương, anh được đơn vị chuyển về Đoàn 235 ở tỉnh Vĩnh Phúc. Hơn 1 năm điều trị, sức khỏe của anh dần ổn định, anh xuất ngũ về an dưỡng tại huyện Thọ Xuân, sau đó chuyển về Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa.

Nhắc đến chuyện tình của chính mình năm xưa, anh Lâm nhớ lại: “Hồi đấy có một chị đồng hương nói với tôi rằng: Này Lâm, mày có muốn lấy vợ không? Tôi hỏi lại chị đồng hương: Lấy ai? Chị ấy nói: Tao nhắm cho mày một đứa rồi. Đẹp người, đẹp nết, là điều dưỡng vừa từ xí nghiệp chiếu cói Nga Sơn về…”.

Với người lính trải qua bao khổ ải ở chiến trường, lại là thương binh hạng đặc biệt “sống nay, chết mai”, anh Lâm nghĩ: Ai mà chịu lấy mình, lấy lại làm khổ họ. Còn người được mai mối cho anh - chị Hiền thì cho rằng, khó khăn nhất là sự chấp nhận của gia đình. Mọi người bắt chị nghỉ việc ở trung tâm về quê xin việc khác. Nhưng sự gắn bó, tình yêu thương giúp chị kiên định với mối tình đầu của mình.

Sống với nhau, sinh con cái, đến năm 2000, niềm hạnh phúc đến với gia đình khi hai vợ chồng anh chị thuộc diện được cấp đất ở để xây dựng tổ ấm. Mảnh đất nằm ngay bên cạnh Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa. Hằng ngày, anh Lâm vẫn qua trung tâm khám, điều trị, còn chị Hiền ở nhà lo cơm nước cho con, cháu. Với anh chị, đó là niềm hạnh phúc vô bờ.

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/thanh-xuan-tham-lang-cua-nu-dieu-duong-o-lang-thuong-binh/26508.htm