Tháo 'điểm nghẽn' nông nghiệp bằng việc đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo về thị trường

Tại buổi đối thoại trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo bộ, ngành với bà con nông dân diễn ra ngày 10/12 tại TP. Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tâm tư: 'Rõ ràng, nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng có nhiều lợi thế song tại sao cứ vướng thị trường tiêu thụ?'.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các Bộ, ngành đối thoại trực tiếp với người nông dân

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các Bộ, ngành đối thoại trực tiếp với người nông dân

Trong hơn 4 giờ đối thoại, Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành đã nhận được rất nhiều câu hỏi của nông dân hỏi trực tiếp tại hội nghị. Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu và vốn; Nông thôn mới và các vấn đề xã hội ở nông thôn.

Nhiều doanh nghiệp và nông dân đặt câu hỏi trực tiếp đối với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ

Nhiều doanh nghiệp và nông dân đặt câu hỏi trực tiếp đối với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ

Nông dân Trần Công Danh ở huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đặt câu hỏi rằng sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2018, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao: Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn công bố rộng rãi các thông tin về thị trường nông sản như giá, sản lượng, dự báo định hướng thị trường… cho người nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp để chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên đến nay, tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn là vấn đề thời sự của ngành nông nghiệp.

Nông dân Phan Văn Thế - huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nêu vấn đề: Hiện nay, những mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người nông dân có hiệu quả chưa nhiều, nông dân tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, qua các kênh chợ truyền thống. Điều mong mỏi của ông Phan Văn Thế là làm thế nào để có thể tham gia liên kết bền vững, hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi của nông dân

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi của nông dân

Dưới góc nhìn của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu quan điểm về những điểm nghẽn hiện nay của ngành nông nghiệp: Chúng ta có nền nông nghiệp rất thuận lợi để phát triển một số sản phẩm đặt thù như trái cây, mặc dù đã có nhiều cải thiện, năng lực sản xuất đang mở rộng và tăng nhanh, nhưng sản lượng đạt rất lớn mà năng lực cạnh tranh chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ, chưa tổ chức sản xuất tốt... nên câu chuyện "được mùa mất giá" thường xuyên xảy ra.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường cần đẩy mạnh. Một số chính sách về đất đai cần chú trọng để tạo nguồn lực lớn hơn, giúp công nghiệp chế biến được nâng cao cạnh tranh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ thị trường nội địa trước sự cạnh tranh hàng hóa ngoại nhập. Bộ trưởng cũng nhận định, bản thân người nông dân phải đổi mới, tiếp cận thị trường để chủ động tái cơ cấu lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã

Bộ trưởng tâm tư: "Rõ ràng, nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng có nhiều lợi thế; nhất là về tôm cá, lúa, trái cây; song tại sao cứ vướng thị trường tiêu thụ? Vấn đề ở đây cần thấy là nông sản của ta có số lượng, nhưng về năng lực cạnh tranh còn yếu. Quy mô sản xuất còn nhỏ khiến chất lượng ảnh hưởng. Do đó, cần thay đổi sản xuất theo hướng liên kết 6 nhà là cấp thiết. Chính vì vậy, cần đổi mới sản xuất, phát triển mô hình hợp tác xã để tăng quy mô và đảm bảo hàng hóa chất lượng". Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Công Thương đang xây dựng lại công tác nghiên cứu thị trường để có thể dự báo kịp thời, đầy đủ hơn, đáp ứng cho nông dân.

Lắng nghe 19 đại biểu nông dân phát biểu với 53 câu hỏi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân. Thủ tướng yêu cầu trên trang web của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Hội Nông dân Việt Nam nên có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra, đặc biệt về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất. Đặc biệt, sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi hơn cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Mai Ca - Lê Chí

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thao-diem-nghen-nong-nghiep-bang-viec-day-manh-nghien-cuu-du-bao-ve-thi-truong-129622.html