THÁO ĐIỂM NGHẼN VÙNG CỰC BẮC

Gần 10 năm trước, các phương tiện từ Hà Nội đi Lào Cai bằng đường bộ phải mất từ 12 đến 14 giờ đồng hồ. Mệt mỏi, tốn kém chi phí trên đường là điều rõ nhất. Còn bây giờ cao tốc Nội Bài-Lào Cai đưa vào sử dụng, chúng ta có thể ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Lào Cai và lại ăn tối ở Hà Nội.

Khó tính toán con số chính xác, nhưng tựu trung thì cái được từ khi có đường cao tốc là rất lớn. Ông Lê Đình Tiến, chủ doanh nghiệp có hơn 100 xe container ở Hải Phòng tính toán: Với việc rút ngắn thời gian từ Hải Phòng lên Lào Cai từ 15 tiếng xuống còn 9 tiếng, doanh nghiệp sẽ quay vòng đầu xe lên gấp 1,5 lần nên hiệu quả kinh doanh tăng lên đáng kể. Còn với tỉnh Lào Cai, từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân 20%/năm. Năm 2018, kim ngạch tăng gấp 3 lần so với 2013 (đạt 3 tỷ USD); lượng khách du lịch đến Lào Cai từ 700.000 lượt (năm 2013) lên 4,5 triệu lượt (năm 2018). Đây là những con số ngoạn mục.

Hà Giang, tỉnh miền núi ở cực Bắc của đất nước có nhiều điểm tương đồng về địa hình với Lào Cai. Tỉnh này có thế mạnh về du lịch, trong đó nổi bật là cao nguyên đá và cao nguyên đất với những thắng cảnh “độc nhất vô nhị”. Kinh tế biên mậu với Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy rất tiềm năng nhưng đến giờ lượng khách và hàng hóa thông thương thấp xa kỳ vọng. Theo địa hình, phía dưới Hà Giang là tỉnh Tuyên Quang cũng trong tình cảnh tương tự. Còn phía bên kia của Tây Bắc, hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên không khác nhau bao nhiêu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tỉnh miền núi phía Bắc chưa thể phát triển nhanh, trong đó khó khăn nhất vẫn là giao thông. Các tuyến quốc lộ đi những tỉnh này vốn đã hẹp, nhiều cua, thỉnh thoảng lại sạt lở do mưa lũ, giờ đang ngày càng quá tải bởi lượng phương tiện tăng nhanh. Chi phí vận tải lớn cùng những bất trắc khó lường trên đường cho một chuyến xe khiến nhiều doanh nghiệp nản chí. Đặc biệt, do chất lượng đường sá không tốt nên tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Không hấp dẫn được các nhà đầu tư, hàng hóa thông thương khó khăn khiến các tỉnh miền núi ngày càng tụt hậu.

 Ảnh minh họa: dantri.com.vn.

Ảnh minh họa: dantri.com.vn.

Mới đây, lãnh đạo hai tỉnh Yên Bái và Hà Giang đã thống nhất, sẽ đồng hành cùng nhau khi Hà Giang đề xuất trình Chính phủ cho thực hiện dự án đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang). Trước đó, tỉnh Tuyên Quang cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Được biết, các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu kết nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với tỉnh Lai Châu và Điện Biên.

Việc có thêm những tuyến đường hiện đại kết nối các tỉnh miền núi với cao tốc rất cần thiết. Nó không chỉ là mong mỏi của người dân nơi đây, mà các tuyến đường ấy sẽ là lực đẩy quan trọng để các tỉnh này có cơ hội phát triển hơn. Thực tiễn chứng minh, hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển, trong đó nòng cốt là hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Ngược lại, một hệ thống cơ sở hạ tầng kém sẽ là trở lực lớn đối với sự phát triển. Trên thực tế, cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã chứng minh là tuyến đường có giá trị kinh tế xương sống cho cả vùng Tây Bắc, đáp ứng tốt tiêu chí kết nối các vùng kinh tế trong nước và kết nối quốc tế. Những dự án kết nối cao tốc mà các tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang đề xuất là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ kết nối các vùng kinh tế khó khăn, chậm phát triển của các địa phương này, mà còn có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài, tạo ra sự kết nối cho cả vùng Đông Bắc-Tây Bắc, cũng như tuyến giao thông, giao thương Việt Nam-Trung Quốc.

Từ lâu, các tỉnh miền núi phía Bắc đã nhìn ra điểm nghẽn lớn của mình trong phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, thông thương hàng hóa, đó chính là hệ thống giao thông kém phát triển. Đây cũng là bài toán ở tầm vĩ mô của đất nước. Bởi thế, cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đầu tư phát triển thì chính các tỉnh này phải chủ động, nỗ lực, huy động tối đa nội lực của mình trong quyết tâm tháo điểm nghẽn đó.

NGUYỄN TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/thao-diem-nghen-vung-cuc-bac-592076