Tháo gỡ cơ chế, tăng trách nhiệm để thúc đẩy đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công (ÐTC) đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay không chỉ đơn thuần là một hoạt động trong quá trình đầu tư của Nhà nước mà còn là đòn bẩy kinh tế quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP và phát triển kinh tế - xã hội. Bắt đầu từ cuối tháng 7, giải ngân vốn ÐTC đã có chuyển biến tích cực so với những tháng đầu năm.

Giải ngân vốn đầu tư công (ÐTC) đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay không chỉ đơn thuần là một hoạt động trong quá trình đầu tư của Nhà nước mà còn là đòn bẩy kinh tế quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP và phát triển kinh tế - xã hội. Bắt đầu từ cuối tháng 7, giải ngân vốn ÐTC đã có chuyển biến tích cực so với những tháng đầu năm.

Nhiều dự án quan trọng quốc gia được khẩn trương hoàn thành thủ tục và đi vào triển khai thực hiện nhằm tạo tác động lan tỏa, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định xã hội.

Tăng tốc giải ngân sau Nghị quyết 84

Bà Lương Thị Hồng Thúy, Phó Vụ trưởng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, lũy kế giải ngân vốn đầu tư qua hệ thống KBNN tính đến cuối tháng 8-2020 là 210.488,47 tỷ đồng, đạt 46,6% kế hoạch vốn năm 2020 Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN. Riêng khối địa phương, lũy kế giải ngân vốn đầu tư qua hệ thống KBNN là 179.423,6 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch vốn năm 2020. Ðáng lưu ý, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn ÐTC và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tốc độ giải ngân vốn ÐTC bắt đầu tăng nhanh. Riêng khối lượng giải ngân sau khi có Nghị quyết 84 đạt khoảng 21% tổng giá trị giải ngân từ đầu năm đến nay.

Tại thời điểm này, nhiều dự án chậm tiến độ được điểm tên trong Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, như dự án đường cao tốc bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020; dự án mở rộng hai cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều tăng tốc triển khai thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) cho biết, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc - nam phía đông đạt hơn 61% kế hoạch. Cụ thể, đối với ba dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức ÐTC, tiến độ giải ngân đạt hơn 51%, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành khoảng 93%; năm dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã giải ngân cho giải phóng mặt bằng gần 70%. Ðáng lưu ý, tiến độ của ba dự án thành phần được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang ÐTC (Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã được khởi công ngày 30-9 vừa qua. Ðối với dự án nâng cấp đường băng hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được khởi công theo lệnh khẩn cấp và hiện đang tăng tốc để cuối tháng 11-2020 hoàn thành thi công, có đủ thời gian hiệu chỉnh trước khi chính thức đưa vào khai thác từ đầu năm 2021. Mặc dù thi công trong điều kiện thời gian hạn chế do vẫn phải bảo đảm hoạt động bay diễn ra nhưng một số hạng mục xây lắp ở cả hai sân bay đều vượt tiến độ.

Vướng mắc lớn nhất là quy trình

Kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy, muốn đẩy nhanh giải ngân vốn ÐTC cần phải có sự quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo và trách nhiệm của người đứng đầu. Xếp thứ 11 trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm chia sẻ: Ðể giải ngân 66,4% kế hoạch vốn được giao như kết quả thực hiện tám tháng vừa qua, Tỉnh ủy đã phân công các lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, từng dự án cụ thể; phân công lãnh đạo các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc các ban quản lý dự án trực tiếp triển khai từng dự án và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND. Các chủ đầu tư phải ký cam kết về tiến độ thực hiện, giải ngân vốn ÐTC và bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật nếu không thực hiện đúng cam kết.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ÐTC trong cả nước vẫn đạt thấp so kế hoạch đề ra. Mức tăng tốc giải ngân chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Theo quy định mới của Luật ÐTC năm 2019, các bộ, ngành, địa phương được trao quyền chủ động trong việc giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách T.Ư cho các chương trình, dự án trên địa bàn trước ngày 31-7 hằng năm. Thế nhưng, thông tin từ Bộ KH và ÐT cho biết, đến ngày 24-9, vẫn có một số nơi chưa phân bổ hết số vốn được giao, trong khi nhiều địa phương đạt tỷ lệ giải ngân khả quan chỉ mất hơn một tháng để hoàn thành giao vốn. Thứ trưởng KH và ÐT Trần Quốc Phương cho biết, mấu chốt của vấn đề giao kế hoạch chậm là do công tác chuẩn bị dự án. “Giải ngân là chuyển tiền từ kho bạc cho chủ thầu xây dựng - bước cuối cùng của hoạt động ÐTC. Muốn tiền ra khỏi kho bạc, dự án phải có khối lượng xây lắp hoàn thành. Ðây là một quy trình rất dài, phức tạp”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói. Theo quy định hiện hành, quy trình ÐTC gồm các bước: Xin chủ trương đầu tư; phê duyệt dự án (quyết định đầu tư); giải phóng mặt bằng; phê duyệt thiết kế xây dựng; đấu thầu, lựa chọn, thỏa thuận, ký hợp đồng với nhà thầu; triển khai thực hiện dự án và cuối cùng là giải ngân. Nếu không phát sinh khó khăn, vướng mắc, quy trình này kéo dài khoảng một năm đối với dự án nhóm C, hai năm đối với dự án nhóm B và kéo dài hơn nếu là dự án nhóm A. Tình trạng “dự án chờ tiền” diễn ra phổ biến ở giai đoạn trước đây hay “tiền chờ dự án” như thực tế hiện nay đều khiến tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp và dồn vào cuối năm. Do vậy, một dự án muốn giải ngân tốt đòi hỏi phải có đầy đủ các thủ tục, làm từ sớm và kế hoạch phải chuẩn xác.

Ðẩy nhanh tốc độ giải ngân luôn đi cùng với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ÐTC. Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, qua kiểm toán các dự án ÐTC hằng năm phát hiện nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý ÐTC, nhất là tại các dự án đầu tư theo hình thức mới như PPP. Qua đó, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng và đưa ra nhiều kiến nghị để các bộ, ngành, địa phương kịp thời khắc phục bất cập, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành, quản lý dự án. Ðồng thời đề xuất xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án ÐTC. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Ðức Phớc, cần nghiên cứu nguyên nhân cốt lõi gây chậm giải ngân vốn ÐTC hiện nay do vướng mắc cơ chế chính sách, thể chế hay vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu chỉ có quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo các địa phương như gần đây là chưa đủ, vì hoạt động ÐTC phụ thuộc rất lớn vào thể chế, hệ thống pháp luật. Ðơn cử, theo quy định của Luật Xây dựng và Luật ÐTC, để triển khai một dự án đầu tư tính từ khi lập dự án (chưa tính đến thời gian chuẩn bị chủ trương đầu tư) đến khi tổ chức đấu thầu phải mất ít nhất là sáu tháng đối với dự án nhóm C, nhiều dự án kéo dài 12 tháng. Ðây là một trong những khâu gây ra chậm trễ giải ngân vốn, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung mới có thể đẩy nhanh giải ngân vốn ÐTC năm 2020 và cả giai đoạn 2021-2026.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/thao-go-co-che-tang-trach-nhiem-de-thuc-day-dau-tu-cong-618999/