Tháo gỡ khó khăn, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện việc mua sắm, cung ứng đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở khám, chữa bệnh công lập ở Trung ương, địa phương thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cục bộ ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh. Đối với tỉnh Ninh Bình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã và đang gặp khó khăn tại các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Mắt...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ động cung ứng đủ một phần thuốc, vật tư y tế phục vụ nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ động cung ứng đủ một phần thuốc, vật tư y tế phục vụ nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi mỗi ngày có hơn một nghìn người đến khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú; hơn một nghìn bệnh nhân điều trị nội trú và mỗi ngày cần khoảng tỷ đồng tiền thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ nhiệm vụ khám, chữa bệnh tại đơn vị. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là thiếu trầm trọng vật tư, hóa chất xét nghiệm, các vật tư trong chạy thận nhân tạo...

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thời gian qua, việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao gặp nhiều khó khăn. Trong đó, về xây dựng giá, thực hiện theo các quy định về đấu thầu và các hướng dẫn có liên quan của các cấp có thẩm quyền, khi xây dựng dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng đã căn cứ chọn giá trúng thầu thấp nhất trong vòng 12 tháng.

Tuy nhiên, do giá quá thấp nên không có nhà thầu nào tham dự, hoặc chỉ có một vài kết quả trúng thầu trong vòng 12 tháng, nhưng cách khá xa thời điểm xây dựng nên biến động so với giá cả thực tế nên cũng không có nhà thầu tham dự. Hơn nữa, việc xác định giá căn cứ vào kết quả trúng thầu đối với vật tư, hóa chất tương đối khó khăn do thông tin trúng thầu không đầy đủ (thiếu thông số hoặc đặc tính kỹ thuật, thông tin sai…) nên không xác định được hàng hóa tham khảo có tương tự với hàng hóa cần mua hay không để tham khảo giá.

Cùng với đó, nhiều loại vật tư, hóa chất không có kết quả trúng thầu cũng không có đủ 3 báo giá nên không tổ chức đấu thầu do không đủ căn cứ xây dựng. Trong khi đó, khi xây dựng thông số, đặc tính kỹ thuật, nhiều chủng loại hóa chất, vật tư chỉ có một mặt hàng của một hãng có kết quả trúng thầu nên không thể có đủ 3 loại hàng hóa để tham khảo. Nhiều vật tư, hóa chất chỉ tương thích với máy khi mua đúng hãng nên chỉ có thể tham khảo duy nhất một loại hàng hóa tương tự. Trong khi trang thiết bị y tế yêu cầu phải được ủy quyền khi tham dự (theo Thông tư 14/2020/TT-BYT) vì vậy cũng làm hạn chế số lượng nhà thầu. Hơn nữa, khác với thuốc (có tên hoạt chất, dạng bào chế, hàm lượng... rõ ràng) thì đối với vật tư, hóa chất có nhiều thông số, đặc tính kỹ thuật chuyên sâu chỉ có khoa sử dụng đưa thông số lên mới hiểu hết được, dẫn tới khó khăn trong việc lựa chọn loại hàng hóa tương tự để tham khảo.

Cùng với đó là những khó khăn khác trong quá trình mua sắm vật tư y tế. Các gói thầu có giá trị lớn trình các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Như các gói mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm sử dụng tại bệnh viện cho các năm 2022 - 2023 về việc mua sắm dịch chạy thận nhân tạo và một số tờ trình khác mua vật tư, hóa chất. Bệnh viện đã nhiều lần gửi công văn đề nghị nhưng vẫn chưa được phê duyệt, dẫn đến thiếu số lượng lớn, phải làm bổ sung nhiều gói dưới 300 triệu nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu.

Hơn nữa, hệ thống đấu thầu mới theo Thông tư 08/2022/TTBKHĐT có nhiều thay đổi và hạn chế (chưa chia phần, còn nhiều bất cập trong thao tác thực hiện…), hướng dẫn chưa cụ thể nên khi thực hiện còn nhiều vướng mắc. Nhân viên thực hiện công tác đấu thầu chưa được tập huấn kỹ lưỡng về hệ thống mới nên khi thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, có một số văn bản chỉ đạo chưa hợp lý, gây khó khăn trong việc thực hiện (yêu cầu căn cứ giá vốn, giá nhập khẩu, lợi nhuận… của hàng hóa trong tờ trình đề nghị phê duyệt).

Bệnh viện và Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi cấp trên xin ý kiến nhưng không được phản hồi. Đặc biệt, để đảm bảo duy trì hoạt động khám, chữa bệnh, Khoa Dược phải tổ chức đấu thầu rất nhiều gói thầu (trên 150 gói/năm), do vậy không đủ nhân lực làm công tác Dược lâm sàng...

Theo đại diện ngành Y tế, khó khăn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng là khó khăn chung của nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn Ninh Bình trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chung trong toàn quốc hiện nay. Các bệnh viện và ngành Y tế cũng đã có các văn bản, tờ trình tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, khắc phục, đảm bảo cho công tác y tế được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT và nhân dân.

Ngày 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 72/CĐ-TTg về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện Công điện, ngày 28/2/2023, UBND tỉnh Ninh Bình có Công văn số 121/UBND-VP5 giao cho các đơn vị khám chữa bệnh và một số sở thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động thực hiện và chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung tại Công điện trên; khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm.

Tiếp tục tập trung, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 795/UBND-VP5 ngày 7/9/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; Văn bản số 760/UBND-VP5 ngày 9/11/2022 về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Thường xuyên tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục theo dõi, cập nhật các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đưa tin, phản ánh liên quan đến thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực tại các bệnh viện đảm bảo chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và tổ chức các giải pháp để có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thao-go-kho-khan-bao-dam-thuoc-trang-thiet-bi-y-te-phuc-vu/d20230303081730932.htm