Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế: Bài 2 - Những khúc mắc về một dự án thành phần
Như đã nói ở bài trước, để có được Khu y tế kỹ thuật cao khang trang, hiện đại như ngày hôm nay là tâm huyết, là mồ hôi và có cả những giọt nước mắt của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, của chủ đầu tư cũng như của hàng trăm y bác sĩ, cán bộ công nhân viên. Và cũng với mong muốn giúp đội ngũ cán bộ y tế đang phục vụ trong Khu y tế 'an cư mới lạc nghiệp', dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên ra đời…
Nhà ở cho cán bộ công, nhân viên Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La
Từ quy hoạch ban đầu, khu nhà ở phục vụ cho CBNV được UBND Thành phố trình văn bản số 3588/UBND-ĐT ngày 07/06/2008 và được Thủ tướng chính phủ chấp thuận trong văn bản 925/TT/KGVS ngày 21/06/2008.
Theo bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch tập đoàn Hoa Lâm, từ mong muốn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ y bác sĩ, đội ngũ cán bộ công nhân viên có được chỗ ở ổn định để yên tâm công tác, chủ đầu tư đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho điều chỉnh mục tiêu từ căn hộ phục vụ khu y tế sang ưu tiên bán cho y bác sỹ, cán bộ công nhân viên làm việc tại khu y tế kỹ thuật cao tại diện tích D2 (hơn 12 ngàn m2) và D3 (gần 12 ngàn m2) nằm trong khuôn viên Khu y tế kỹ thuật cao.
Cơ sở pháp lý để chủ đầu tư xin chủ trương này là căn cứ vào văn bản số 11243/BTC-QLCS của Bộ Tài Chính, trong đó Bộ Tài Chính nêu rõ: trường hợp Công ty Hoa Lâm – Shangri-La đã nộp toàn bộ tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất đối với phần diện tích đất quy hoạch xây dựng nhà ở theo chính sách và giá đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm được nhà nước cho thuê đất; không hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất thì công ty có quyền được xây dựng nhà ở, căn hộ để bán và cho thuê cho các đối tượng được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Về phía lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, sau khi nhận được đề nghị thay đổi từ “phục vụ” thành từ “ưu tiên bán” cho khu nhà D2, D3 thuộc Khu y tế kỹ thuật cao, lãnh đạo thành phố đã giao cho bảy sở ngành địa phương liên quan phối hợp, tham mưu, đề xuất, dự thảo văn bản để thành phố xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong văn bản số 5594/UBND–DA ngày 8/9/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh nêu rõ thành phố thống nhất với ý kiến của Bộ tài chính về việc nhà đầu tư có quyền nhà đầu tư có quyền được xây dựng nhà ở, căn hộ để bán và cho thuê cho các đối tượng được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Thành phố trình Thủ tướng xem xét có ý kiến chỉ đạo về điều chỉnh mục tiêu đầu tư của dự án. Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh mục tiêu đầu tư của dự án với hạng mục khu nhà từ “căn hộ phục vụ” sang “ưu tiên bán” thì kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất.
Thẩm quyền thuộc UBND TP Hồ Chí Minh
Ngày 21/9/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 10028 nêu rõ “ Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh xử lý theo quy định”. Tiếp đó lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch đầu tư tham mưu trình UBND thành phố. Trong văn bản trình UBND thành phố ngày 16/10/2017, Sở Kế hoạch đầu tư khẳng định, việc điều chỉnh mục tiêu đầu tư của lô D2, D3 thuộc quyền xử lý của UBND TP theo quy định. Đơn vị này cũng kiến nghị, UBND TP có công văn báo cáo Thường trực thành ủy thành phố cho ý kiến chấp thuận về chủ trương nêu trên.
Khi có đầy đủ ý kiến tham mưu, đề xuất của các Sở, ngành, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đối với khu nhà ở D2, D3, trong đó chấp thuận cho chủ đầu tư được điều chỉnh mục tiêu dự án. Chủ đầu tư được xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tai khu y tế kỹ thuật cao).
Để có cơ sở xác định nghĩa vụ thuế, ngày 01/12/2017, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển hình thức sử dụng đất từ “căn hộ phục vụ” sang “căn hộ (ưu tiên bán)” đối với khu D2, D3, từ đó thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan, rà soát, tham mưu UBND thành phố phương án tính thuế đối với nhà đầu tư.
Tiếp đó, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh xác định tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê theo quy định để chủ đầu tư nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước và không phải nộp tiền chậm nộp đối với khoản thu bổ sung này trong thời gian trước khi được xác định lại. TP Hồ Chí Minh truy thu đối với các khoản chủ đầu tư đã được ưu đãi (miễn giảm) theo chính sách xã hội hóa trước đây đối với phần diện tích làm nhà ở.
Như vậy, có thể khẳng định, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực y tế là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
UBND TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Hoa Lâm khi thực hiện chủ trương này đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, được sự thống nhất cao của các sở nghành, thành phố cũng báo cáo và xin ý kiến đầy đủ các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ. Chủ đầu tư đã tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai xây dựng dự án từ cơ sở pháp lý đến nghĩa phục thuế phải thực hiện.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế nói riêng, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung là cần thiết nhằm thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển, xứng đáng là thành phố năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước.