Tháo gỡ khó khăn cho ngành Thủy sản

Ngư dân TP Tuy Hòa chuyển cá ngừ đại dương lên bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành Nông nghiệp nước ta, nhất là lĩnh vực thủy sản. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến xung quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn và định hướng phát triển sau khi cơ bản khống chế được dịch bệnh COVID-19.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

* Thời gian qua, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản ở nước ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Xin thứ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT đã có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn này?

- Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành Nông nghiệp, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là các chuỗi cung ứng nông, thủy sản trên toàn cầu, đặc biệt là các nước tham gia xuất khẩu lớn. Riêng trong lĩnh vực thủy sản, từ đầu năm đến nay, Bộ NN-PTNT đã triển khai 3 hội nghị cho từng đối tượng thủy sản như cá tra, tôm và thủy sản khai thác nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và định hướng phát triển trong thời gian tới. Đối với nuôi trồng thủy sản, ở nước ta hiện nay có nhiều vùng nuôi quy mô lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, nuôi nhiều đối tượng khác nhau, tạo ra giá trị kinh tế rất lớn, đóng góp đáng kể vào phát triển ngành Thủy sản. Mỗi địa phương có một vài đối tượng nuôi chủ lực như ở miền Nam có cá tra, tôm thẻ; ở Phú Yên có tôm thẻ, tôm hùm…

Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các sản phẩm thủy sản nuôi ở nước ta không thể xuất khẩu được, nhất là thị trường Trung Quốc chiếm thị phần rất lớn đối với sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Việc này đã kéo theo sản phẩm thủy sản bị rớt giá, nhưng khó khăn nhất hiện nay là số lượng thủy sản đã qua chế biến để xuất khẩu còn tồn kho rất nhiều. Đến thời điểm này, một số thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản của nước ta đã có một số chiều hướng thuận lợi hơn, chẳng hạn như Trung Quốc, các nước ở châu Âu, Mỹ… cũng đang dần ổn định. Với tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện nay, Chính phủ cũng đã nhận định, các bộ, ngành trung ương đã triển khai xúc tiến, tìm cơ hội, nắm bắt thời cơ để tham gia xuất khẩu dự kiến vào những tháng cuối năm 2020. Quan trọng nhất hiện nay là khâu tổ chức sản xuất nên các địa phương cần triển khai tốt công tác này.

Về hoạt động khai thác thủy sản, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhưng trong những tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản ở nước ta vẫn tăng, khoảng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Để hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục củng cố lại các chuỗi sản xuất từ khai thác, chế biến đến tiêu thụ nhằm đảm bảo đạt sản lượng, sản phẩm đạt chất lượng để tham gia xuất khẩu. Mặt khác, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, tháo gỡ thẻ vàng để mặt hàng hải sản khai thác của Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu, tạo nên những sản phẩm có giá trị, đạt chất lượng và số lượng. Một khó khăn nữa tại các địa phương là cơ sở hạ tầng lĩnh vực thủy sản đa số chưa đạt yêu cầu, chưa được đầu tư đồng bộ. Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng đã có chủ trương trong giai đoạn đầu tư trung hạn từ năm 2021-2025 sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng lĩnh vực thủy sản.

Chế biến cá ngừ đại dương tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Chế biến cá ngừ đại dương tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

* Xin thứ trưởng cho biết, tình hình hoạt động chế biến thủy sản ở nước ta hiện nay và Bộ NN-PTNT có những định hướng gì để ngành Chế biến thủy sản xuất khẩu vượt qua khó khăn sau khi cơ bản khống chế được dịch bệnh COVID-19?

- Ngành Chế biến thủy sản ở nước ta hiện nay đã phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có khoảng 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu cùng các thị trường khó tính khác; khoảng 3.000 cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống như phơi khô, làm mắm, đông lạnh, phi lê, đồ hộp… Các sản phẩm chế biến của Việt Nam đã có mặt tại hơn 170 thị trường trên thế giới với đầy đủ các chủng loại sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam liên tục duy trì tăng trưởng trong những năm qua, trung bình hàng năm khoảng 8%, trong đó xuất khẩu hải sản chiếm từ 29-33% tổng xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, khi Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp thì chúng ta cũng cần đánh giá lại và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ chế biến sâu nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo giá trị gia tăng. Đây là điều kiện rất quan trọng để tạo môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư, hội nhập thị trường quốc tế. Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đang gặp khó khăn như nuôi trồng thì chưa xuất bán được, chế biến thì lượng hàng tồn kho rất lớn, trong khi đó tại các nhà máy, cơ sở chế biến thì công nhân chỉ hoạt động chầm chừng hoặc tạm nghỉ việc vì dừng sản xuất. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương và đặc biệt là các ngân hàng cần tạo mọi điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được vay vốn ưu đãi để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là tình thế tạm thời trước mắt giải quyết khó khăn, về lâu dài thì các tổ chức, cá nhân này cần sắp xếp, tổ chức lại các khâu sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

* Xin cảm ơn thứ trưởng!

Theo chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã giao, đến nay ngành Nông nghiệp vẫn quyết tâm đảm bảo các chỉ tiêu này như 43,5 triệu tấn lúa, 8,5 triệu tấn thủy sản, 5,8 triệu tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 14,6 triệu trứng gia cầm… Bộ NN-PTNT sẽ trình ra Quốc hội và Chính phủ để điều chỉnh một số chỉ tiêu đã giao nhưng có khả năng không đạt do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

ANH NGỌC (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/240041/thao-go-kho-khan-cho-nganh-thuy-san.html