Tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19
Ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Dự Hội nghị tại tỉnh ta có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, đại diện các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Tiêu thụ thịt gia cầm trong nước hiện ở mức giá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ách tắc trong khâu lưu thông do dịch bệnh COVID-19 khiến cho các loại rau, củ quả bị dư thừa. Nông sản vướng các rào cản kỹ thuật ở ngay tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, khiến các mặt hàng thủy sản, sữa xuất khẩu của nước ta gặp khó khăn…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung vào các nội dung: Xử lý các vướng mắc kỹ thuật như quy trình kiểm dịch động thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc; giải quyết khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp khi các địa phương áp dụng các biện pháp tăng cường chống dịch COVID-19; mở cửa thị trường, cung cấp thông tin về rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu cụ thể; thuận lợi hóa quá trình kiểm dịch động thực vật, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp thương mại nông sản.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng chí đề nghị, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện các giải pháp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Phát triển sản xuất theo hướng bảo đảm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân các quy định về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, xử lý dịch hại tổng hợp. Quản lý chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói, tăng cường thực hiện các quy định về giám sát dư lượng thuốc BVTV. Đối với chăn nuôi, các ngành, địa phương chú trọng công tác quy hoạch và phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo vùng sản xuất gắn với chế biến bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh...