Tháo gỡ khó khăn cho tuyến y tế cơ sở - Bài 3: Cần những chính sách căn cơ, đồng bộ
Trước thực trạng khó khăn của tuyến y tế cơ sở (YTCS), nhiều địa phương đã có những giải pháp như tăng vốn đầu tư, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới... Đây là điều cần thiết, tuy nhiên, để vực dậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tuyến YTCS, cần phải có những chính sách căn cơ, đồng bộ hơn nữa.
“Tiếp sức” nhân viên y tế
"Làm thế nào để giải bài toán nhân lực vừa thiếu, vừa yếu cho tuyến YTCS?". Trả lời câu hỏi này, đồng chí Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết: “Sở đã có chương trình phối hợp với Trường Đại học Y dược Huế đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ hiện có. Ðến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức một số lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp II, quản lý y tế cho chuyên khoa cấp I nội khoa, lớp dược chuyên khoa cấp I, điều dưỡng chuyên khoa cấp I. Sở Y tế tỉnh sẽ có kế hoạch điều động sinh viên đến thực tập ở các trạm y tế xã, sau đó mới điều động về trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực tại chỗ, “cầm tay chỉ việc” cũng sẽ được chú trọng nhiều hơn. Đặc biệt, những người tốt nghiệp ngành y ra trường với bằng cấp tương ứng nếu có nguyện vọng về làm ở các đơn vị YTCS sẽ được tạo điều kiện tuyển thẳng và có thêm một số chế độ đãi ngộ tương xứng".
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch (Quảng Bình), từ năm 2021 đến nay, Trung tâm tuyển dụng liên tục nhưng không có bác sĩ nào nộp hồ sơ. “Chúng tôi đang thiếu nhiều bác sĩ, đặc biệt là các chuyên khoa về hồi sức, gây mê nhưng rất khó để tuyển dụng đối tượng này. Nếu chúng ta không thay đổi chính sách, “tiếp sức” để nhân viên YTCS có thể sống được với nghề thì việc tuyển dụng sẽ còn nhiều khó khăn”, bác sĩ Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
Trước thực trạng thiếu hụt nhân lực tuyến YTCS, nhiều lãnh đạo sở y tế, cán bộ y tế các địa phương kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ thu nhập cho các y, bác sĩ. “Đội ngũ bác sĩ bỏ việc nhiều, nhất là bỏ việc sau khi được đào tạo chuyên môn sâu để ra làm ở các bệnh viện tư với chế độ tiền lương và đãi ngộ tốt hơn nên YTCS luôn ở tình trạng thiếu bác sĩ. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi một số chính sách đãi ngộ nhằm động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, nhân viên YTCS”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đề nghị. Từ thực tiễn địa phương, đồng chí Ngô Xuân Nam, Bí thư Huyện ủy Yên Minh (Hà Giang) kiến nghị: “Cần rà soát, sửa đổi và bổ sung cũng như ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, đào tạo, phát triển và đãi ngộ nhân lực y tế bảo đảm hài hòa, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khen thưởng, động viên xứng đáng cho cán bộ, nhân viên y tế khi có đổi mới, sáng tạo và có thành tích trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Với YTCS, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cần có các chế độ phụ cấp ưu đãi nghề hợp lý”.
Đầu tư đồng bộ, phù hợp
Những năm qua, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực để phát triển hệ thống YTCS. Điển hình như các dự án hỗ trợ YTCS giai đoạn 2019-2024 triển khai tại 26 trạm y tế điểm nhằm trang bị đồng bộ hệ thống máy móc, phương tiện, cơ sở vật chất, được cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng viên, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên... Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm; đề nghị bảo đảm đủ thuốc cho các trạm y tế...
Tại tỉnh Quảng Bình, để nâng cao chất lượng tuyến YTCS, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế theo Đề án số 981/ĐA-UBND ngày 20-6-2018 của UBND tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết: “Bên cạnh nhân lực thì nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng cần được bảo đảm. Thông tư số 28/2020/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 31-12-2020 đã quy định rất rõ danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế xã và mốc thời gian phải có đủ các trang thiết bị tối thiểu là trước ngày 1-1-2022. Tuy nhiên hiện nay, các trạm chưa có nguồn để bảo đảm. Bởi vậy, đề nghị UBND tỉnh xem xét tăng định mức chi cho YTCS, đặc biệt là trạm y tế xã để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, gắn với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sắp tới, Sở Y tế sẽ bổ sung trang thiết bị cho trạm y tế thông qua dự án YTCS của Bộ Y tế và các nguồn vốn khác, cũng như kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà tài trợ nhằm bảo đảm các trang thiết bị y tế đáp ứng được yêu cầu theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại trạm y tế”.
PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế), cho rằng, để YTCS phát huy vai trò, cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường năng lực tổng thể của mạng lưới, gồm năng lực quản trị, năng lực cung ứng dịch vụ y tế, năng lực hạ tầng kỹ thuật, nhân lực y tế, tài chính y tế và thông tin thống kê y tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác hiệu quả giữa mạng lưới YTCS với cộng đồng dân cư thông qua mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu mới, sử dụng y học gia đình để bảo đảm quản lý sức khỏe cá nhân, chăm sóc lồng ghép, toàn diện và liên tục suốt đời hay thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe hiệu quả, cũng như với các cơ sở y tế tuyến trên trong hệ thống chuyển tuyến theo hướng tăng cường sự phối hợp, cộng tác vì lợi ích của người bệnh.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đầu tư cho YTCS phải đồng bộ cả 3 lĩnh vực: Nhân lực-chuyên môn, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị thì mới phát huy hiệu quả. Trước những hạn chế và bất cập của YTCS, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: Liên tục-toàn diện-lồng ghép-phối hợp-dự phòng-gia đình-cộng đồng nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, qua đó hút người bệnh về với trạm y tế xã, phường. Đặc biệt, với các trạm y tế chưa có bác sĩ, sẽ cử bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc. Bộ Y tế cũng sẽ cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Ngày 15-2-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, cùng với viên chức y tế dự phòng, kiểm dịch y tế biên giới, người làm chuyên môn y tế tại trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện được hưởng phụ cấp 100% từ ngày 1-1-2022 đến tháng 12-2023. Đến hết năm 2023, các nhóm này lại quay về hưởng mức phụ cấp như quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP. Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, chính sách quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là một chính sách hay cần duy trì lâu dài để động viên, thu hút bác sĩ về công tác tại các tuyến YTCS, biên giới.
PGS, TS Phan Lê Thu Hằng cho rằng, hiện nay, mạng lưới YTCS mới chỉ bao gồm thành tố công lập mà chưa tích hợp các thành tố ngoài công lập (như y tế tư nhân, phi chính phủ, phi lợi nhuận...). Hạn chế này khiến chúng ta chưa tận dụng được tối đa các nguồn lực có sẵn để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong khi y tế ngoài công lập đang phát triển với tốc độ nhanh (số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, cả nước có 263 bệnh viện tư nhân, hơn 35.000 phòng khám tư nhân và 43.000 nhà thuốc). Do vậy, việc mở rộng phạm vi cấu trúc của mạng lưới YTCS nhằm tích hợp những thành tố ngoài công lập để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu là hướng đi phù hợp trong thời gian tới.