Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Tán thành với những khó khăn, thách thức, hạn chế mà UBND tỉnh đưa ra, tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đề nghị: cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; nghiên cứu xây dựng và áp dụng các mô hình giáo dục kỹ năng sống phù hợp với từng nhóm lứa tuổi và vùng miền…

Nghiên cứu mô hình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ

Bày tỏ sự đau lòng về các trường hợp đuối nước, bạo lực học đường thời gian qua trên địa bàn tỉnh, đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) cho rằng, đây là vấn đề “nóng” được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm… Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa qua tại một số trường học cho thấy, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An đã quan tâm giáo dục kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước với một số mô hình sáng tạo ở nhiều trường học; song hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Đại biểu Trình Văn Nhã phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: M. Hoa

Đại biểu Trình Văn Nhã phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: M. Hoa

Nhấn mạnh trong giáo dục, hình thành kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường và đuối nước cho trẻ cần quan tâm đến ba mối quan hệ: gia đình là nền tảng, nhà trường là then chốt và xã hội là xuyên suốt; đại biểu cho rằng, không thể “khoán trắng” cho nhà trường, tuy nhiên trong khuôn khổ của ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần chỉ đạo đồng bộ các trường học giống như đề cương giáo dục kỹ năng sống để học sinh có khả năng tự phòng vệ trước tai nạn thương tích, đuối nước cũng như bạo lực học đường.

Cùng mối quan tâm đối với trẻ em, đại biểu Phan Thị Minh Lý nhấn mạnh: trẻ em là tương lai của đất nước và của mỗi gia đình; nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ em gồm ba “trụ cột”: giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và sức khỏe thể chất, tinh thần… “Song thực tế cho thấy, chúng ta mới chỉ quan tâm đến giáo dục kiến thức, trong khi giáo dục kỹ năng sống và sức khỏe chưa được quan tâm nhiều, bao gồm cơ sở vật chất trong các nhà trường, khu dân cư và nhân lực thực hiện nhiệm vụ này”, đại biểu nhấn mạnh. Đại biểu đề nghị tỉnh nghiên cứu giải pháp để giải quyết từng bước các vấn đề đặt ra trong thực tiễn; đồng thời tăng cường phối hợp hiệu quả hơn giữa các sở, ngành và các tổ chức trong hệ thống chính trị liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Cùng quan điểm, đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng và áp dụng các mô hình giáo dục kỹ năng sống phù hợp với từng nhóm lứa tuổi và vùng miền.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công

Liên quan đếngiải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Hữu An đề nghị HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành xem xét hàng năm bố trí tổng toàn bộ nguồn vốn của một dự án, không phân khai các hạng mục như: xây lắp, giải phóng mặt bằng… để không phải điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn khi thực tiễn có phát sinh.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Phan Long cũng cho rằng, UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn để đánh giá năng lực từng đơn vị, từ đó có giải pháp sàng lọc, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho những chủ đầu tư, dự án giải ngân tốt; đồng thời, làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức về tình trạng số dư tạm ứng kéo dài chưa thu hồi và tình trạng tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán còn nhiều.

Bày tỏ băn khoăn về công tác giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh: các Chương trình mục tiêu quốc gia là nguồn lực và động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc... “Ngoài khó khăn chung của cả nước, cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, các chủ đầu tư và đề ra những giải pháp căn cơ, đồng bộ, thống nhất, nhất là vấn đề cải cách hành chính và công tác cán bộ để đẩy nhanh tiến độ, không để bị cắt, chuyển vốn”, đại biểu đề xuất.

Còn đại biểu Mong Văn Tình thì đề nghị các cấp, ngành cần đề cao trách nhiệm thực hiện để bà con đồng bào sớm được thụ hưởng các chương trình; cùng đó, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn các sai phạm trong thực hiện.

Lý giải việc các Chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải ngân thấp nhất của cả nước, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lương Văn Khánh cho biết: đây là chương trình mới với nhiều nội dung (10 tiểu dự án, 36 nội dung, với 365 văn bản, tích hợp 118 chính sách để thực hiện). Từ năm 2021, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 51 văn bản. Tuy nhiên, các văn bản này đều có chỉnh sửa bổ sung, sửa đổi. Do đó, cơ sở chưa có hướng dẫn để thực hiện… Ngoài ra, trong công tác phân bổ vốn, Chính phủ thực hiện phân bổ vốn từng năm, không có kế hoạch trung hạn khó khăn cho cơ sở trong xây dựng kế hoạch.

Để giải ngân vốn đầu tư công có thể đạt hơn 95% trong năm nay, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết: những tháng cuối năm, tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, cứ 10 ngày/lần có báo cáo gửi Bí thư các huyện, thành, thị ủy, các chủ đầu tư để đôn đốc giải ngân. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục duy trì các tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì để kiểm tra tiến độ giải ngân tại các dự án… Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chủ động rà soát, điều chuyển vốn đầu tư công như đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm. “Đến nay, riêng những nguồn vốn thuộc thẩm quyền UBND tỉnh đã điều chuyển hơn 155 tỷ đồng và đang trình HĐND tỉnh điều chuyển hơn 77 tỷ đồng vốn đầu tư công tại những dự án giải ngân chậm, hoặc khó giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt”, ông Phạm Hồng Quang cho biết.

D.Anh - K.Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/thao-go-kho-khan-day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-i335285/