Tháo gỡ khó khăn để các Chương trình mục tiêu quốc gia thực sự là chương trình tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa
Để các Chương trình mục tiêu quốc gia thực sự là chương trình tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp toàn diện hơn, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm người đứng đầu.
Chiều 30/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng, thời gian qua việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa hiệu quả các kết quả của các giai đoạn trước.
Quan trọng hơn hết là đời sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, miền núi tăng khá, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm đáng kể.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đề xuất của Chính phủ và để các Chương trình mục tiêu quốc gia thực sự là chương trình tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp toàn diện hơn, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện những bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng đề nghị lãnh đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hợp nhất các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình để các địa phương nghiên cứu, áp dụng đồng bộ. Cần tập trung đầu tư đến công tác theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận kết quả thực hiện các tiêu chí các dự án, tiểu dự án của chương trình.
Tiếp tục lãnh đạo đổi mới phương thức truyền thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở, địa bàn dân cư về những mục tiêu, giải pháp của đề án, chương trình tổng thể để làm thay đổi mạnh mẽ nếp nghĩ, cách làm của người dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình, nhất là các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn để các địa phương này có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chương trình và không bị bỏ lại phía sau trong xu thế phát triển chung của cả nước.
Còn tình trạng chậm phân bổ vốn, phân bổ không đúng đối tượng
Đại biểu Vũ Xuân Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao công tác triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương. Đại biểu cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, đó là việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn nhiều hạn chế bất cập và nhiều khó khăn vướng mắc.
Mặc dù Ban chỉ đạo của ba Chương trình mục tiêu quốc gia đã được kiện toàn nhưng cơ chế vận hành chưa nhịp nhàng và thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan. Về mô hình bộ máy giúp việc không thống nhất mỗi địa phương mỗi kiểu khác nhau, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.
Bên cạnh đó khối lượng văn bản hướng dẫn quá nhiều, theo thống kê Trung ương đã ban hành đến 114 văn bản và các văn bản thì quy định chung chung; một số địa phương chưa hoàn thành văn bản quản lý theo thẩm quyền…
Ngoài ra, còn tình trạng chậm phân bổ vốn, phân bổ không đúng đối tượng, việc giao vốn sự nghiệp bất cập. Tiến độ giải ngân vốn của ba chương trình rất chậm, đến nay mới đạt được dưới 50% đặc biệt là vốn sự nghiệp đạt rất thấp…
Đại biểu nhận thấy, với những khó khăn cả về thể chế và về con người nếu không có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù, khả năng thực hiện mục tiêu cả giai đoạn 2021 -2025 rất khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba chương trình, đại biểu đề nghị cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền và có có chế như Chính phủ đề xuất để giải ngân vốn đầu tư nhanh.
Phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng, việc triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong nhiều năm qua có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tính ưu việt của Đảng, Nhà nước ta.
Đánh giá cao báo cáo giám sát của Đoàn giám sát đã nhận định toàn diện việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, chỉ ra khá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc cũng như nguyên nhân triển khai thực hiện các chương trình.
Trên cơ sở báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tích cực tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình và tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia.
Có hiện tượng một số cán bộ, công chức cấp xã ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động
Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ tán thành và đánh giá cao đối với Báo cáo giám sát kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Đoàn giám sát.
Đề cập tới nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, đất nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ với sự phát triển rất phong phú, đa dạng của các ngành khoa học. Việc ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội lên một tầm cao mới. Thế nhưng, ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, không được tiếp cận với những tiện ích và văn minh do điện đem lại.
Đại biểu cho rằng đây là sự thiệt thòi vô cùng lớn của những người dân sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn. Tại Tờ trình số 3462 của Bộ Công Thương về đề nghị phê duyệt Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đến năm 2025 đầu tư cấp điện cho 911.400 hộ dân tại 14.676 thôn, bản trên địa bàn 3099 xã thuộc 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng nguồn vốn khoảng 29.779 tỉ đồng. Như vậy, với số lượng hộ dân được thụ hưởng là rất lớn, đa số là các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Theo đại biểu, đến thời điểm này, chương trình trên chưa được Chính phủ phê duyệt, do đó, không có cơ sở để đề xuất nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện...
Bên cạnh đó, hiện nay tất cả các chính sách của Đảng, Nhà nước đều được triển khai ở cơ sở để đến với nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là đầu mối để triển khai thực hiện, hướng dẫn nhân dân thu thập thông tin, tổng hợp và báo cáo tiến độ, hiệu quả của các chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn nói riêng.
Đây cũng là đội ngũ gần dân, sát dân, hiểu dân và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian gần đây có hiện tượng một số cán bộ, công chức cấp xã ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác.
Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do áp lực của cán bộ, công chức cấp xã rất lớn, số lượng người ít, nhiều nhiệm vụ phải triển khai thực hiện và rất nhiều việc mới, việc khó. Bên cạnh đó, tiền lương của đội ngũ này rất thấp, ngoài lương chính và phụ cấp khu vực xa thì hầu như không có phụ cấp khác.
Do đó, đại biểu nhấn mạnh, nếu không có giải pháp sớm để khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, hiểu dân và giao tiếp được với nhân dân bằng tiếng dân tộc. Đồng thời có thể sẽ thành rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia./.