Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
TTXVN đưa tin, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kinh tế trong nước cũng nhiều khó khăn, thách thức do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh của một số ngành công nghiệp chủ yếu như điện tử, dệt may, da giầy, đồ gỗ…
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76% vào mức tăng trưởng chung, trong đó giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quí 1-2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quí 1-2023 đạt 79,17 tỉ đô la, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ… đều giảm mạnh.
Trước biến động ngày càng phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai (giao đất, thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa…); thủ tục đầu tư, xây dựng (phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, thẩm định thiết kế cơ sở…);
Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; thủ tục, điều kiện vay vốn; hạn mức tín dụng, lãi suất, tỷ giá; cơ cấu lại thời hạn trả nợ… để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhất là các dự án lớn, trọng điểm.
Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, tiêu cực để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, duy trì, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng (đánh giá, so sánh, nguyên nhân chủ quan, khách quan), các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm, các đề xuất và kiến nghị cụ thể… gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trước ngày 13-4.