Tháo gỡ khó khăn khi sáp nhập trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên

Sáng 10/6, Đoàn Giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023' đã có buổi làm việc với Bộ Y tế; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trưởng đoàn đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Qua giám sát thực tế tại các các địa phương và thống kê từ báo cáo của tỉnh thành, đến nay đã có trên 500 huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố sáp nhập trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trung tâm dạy nghề với trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp đặt dưới sự quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện. Điều này cũng giúp giảm đầu mối, tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm sau sáp nhập.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận hiện đang vướng cơ chế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi trên thực tế học sinh học nghề vẫn phải thực hiện kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 như bình thường, không có cơ chế riêng.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ báo cáo làm rõ những khó khăn vướng mắc khi chậm ban hành thông tư hướng dẫn về định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Linh - Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thao-go-kho-khan-khi-sap-nhap-trung-tam-day-nghe-voi-trung-tam-giao-duc-thuong-xuyen-225239.htm