Tháo gỡ khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1
Đến thời điểm này, thầy và trò các nhà trường đã đi qua gần hết học kỳ I, lớp 1- khối lớp đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) với sách giáo khoa mới. Với phương châm 'khó đâu gỡ đó', ngành GDĐT, các nhà trường và giáo viên đứng lớp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang chủ động, linh hoạt trong dạy học, từng bước tháo gỡ khó khăn.
Đến thời điểm này, thầy và trò các nhà trường đã đi qua gần hết học kỳ I, lớp 1- khối lớp đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) với sách giáo khoa mới. Với phương châm "khó đâu gỡ đó", ngành GDĐT, các nhà trường và giáo viên đứng lớp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang chủ động, linh hoạt trong dạy học, từng bước tháo gỡ khó khăn.
Khác với những tiết học tập viết của những năm học trước, năm học này, các em học lớp 1 bộ sách Cánh Diều, TrườngTH Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, được học SGK điện tử bằng hình ảnh, âm thanh, nên rất hào hứng. Cô giáo Trần Diệu Thúy, giáo viên lớp 1A Trường TH Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, cho biết: Bộ sách có các hình ảnh sống động giúp các em học tốt hơn. Về phần tập viết, ở chương trình mầm non các em chưa được làm quen nhiều với chữ, nhưng nhờ phần mềm hỗ trợ, hướng dẫn các em từng nét, do vậy các em viết chữ rất đẹp. Để phát huy thế mạnh của sách giáo khoa điện tử, cũng như thực hiện hiệu quả CTGDPTM, yêu cầu về cơ sở vật chất cũng cao hơn. Đó là lớp học phải có ti-vi, hệ thống intenet chất lượng cùng với thiết bị dạy học đi kèm. Nhưng đến nay, những thiết bị trên tại các nhà trường vẫn chưa có. Để tránh tình trạng dạy học chay, nên dù là trường học vùng sâu, vùng xa khó khăn nhưng Trường TH Nghĩa Lâm cũng như các trường của huyện miền núi Nghĩa Đàn từng bước tìm cách khắc phục.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Phụ trách Giáo dục Tiểu học, Phòng GD-ĐT huyện Nghĩa Đàn, cho biết thêm: Các nhà trường tuyên truyền vận động, xã hội hóa giáo dục để lắp thêm ti vi, giúp giáo viên và học sinh được sử dụng sách điện tử. Huyện Nghĩa Đàn hiện đã có 15/24 trường lắp ti-vi tại 100% các phòng học; hướng dẫn giáo viên linh hoạt sử dụng những bộ đồ dùng cũ để học. Tại huyện Diễn Châu, để dạy học CTGDPTM hiệu quả, địa phương không thu tiền học 2 buổi/ngày để đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT đã thành lập các tổ tư vấn trực tiếp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho giáo viên; tổ chức sinh hoạt chuyên môn, hội thảo, dự giờ thăm lớp theo từng cụm trường để rút kinh nghiệm. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chủ động xây dựng nội dung, kế hoạch dạy các môn học phù hợp với từng đối tượng. Thứ tự các chủ đề, các bài học trong sách giáo khoa được bố trí linh hoạt để giảm tải cho học sinh. Ngoài ra, những bài khó, bài nhiều nội dung có thể tăng thêm thời lượng và sử dụng sách giáo khoa một cách linh hoạt, điều chỉnh bổ sung, thay thế những nội dung, ngữ liệu không phù hợp. Tại huyện Đô Lương, đến hết học kỳ I, 33/33 trường trên địa bàn đã thực hiện khá tốt việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nhiều giáo viên đã mạnh dạn tự chủ lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức dạy học có hiệu quả.
Ở địa bàn rộng với trên 2.000 lớp 1 và hơn 500 trường Tiểu học như Nghệ An, việc triển khai CTGDPTM một cách đồng bộ là rất khó khăn, nhất là khi hiện nay, Nghệ An đang có sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng miền. Kèm theo đó các điều kiện để tổ chức dạy học cũng rất khó đồng đều. Thiếu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nội dung chương trình bị đánh giá là nặng, ngữ liệu nhiều bài chưa phù hợp... là những khó khăn mà các trường đang gặp phải trong quá trình triển khai chương trình SGK lớp 1 mới.