Tháo gỡ khó khăn mở rộng diện tích rừng FSC

Mở rộng diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý bền vững FSC sẽ tạo nguồn nguyên liệu gỗ trồng có nguồn gốc hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên hiện nay tại một số địa phương việc mở rộng phát triển rừng FSC đang có những khó khăn cần sự chung tay vào cuộc của ngành chuyên môn, đặc biệt là doanh nghiệp.

Diện tích rừng trồng của Hợp tác xã Tiến Huy, xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

Diện tích rừng trồng của Hợp tác xã Tiến Huy, xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

Những rào cản

Đã hết 5 năm (chu kỳ chứng nhận quản lý rừng bền vững do tổ chức quản lý rừng bền vững quốc tế FSC) cấp nhưng hơn 1.400 ha rừng trồng theo tiêu chuẩn của Hợp tác xã Tiến Huy, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) chưa thể được đánh giá lại. Ông Nịnh Văn Lìn, trưởng nhóm FSC xã Tiến Bộ chia sẻ: Năm 2018, với sự hỗ trợ của tỉnh, Hợp tác xã đã tiên phong triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. 5 năm triển khai thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn, ông và người dân xã Tiến Bộ đã học được rất nhiều, từ kỹ thuật trồng, bảo vệ đất, cây rừng…Tuy nhiên thời điểm hợp tác xã thực hiện đúng vào đại dịch Covid bùng phát khiến cho việc tiêu thụ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn gặp khó khăn. Ông Lìn chia sẻ, năm 2020 - 2021, nhiều diện tích rừng gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ FSC đến tuổi khai thác tuy nhiên thị trường xuất khẩu gỗ bị đứt gẫy, các doanh nghiệp chế biến gỗ không khai thác, hợp tác xã phải bán cho các xưởng chế biến nhỏ lẻ với giá gỗ thông thường. Sản xuất theo tiêu chuẩn chi phí cao, trong khi bán sản phẩm với giá thông thường khiến lỗ đơn lỗ kép cho hợp tác xã. Và sau 1 chu kỳ trồng FSC hợp tác xã Tiến Huy đang phải gánh lỗ khoảng 600 triệu đồng, chưa kể tiền hỗ trợ từ Nhà nước. Chính vì thua lỗ nên việc tái đầu tư để đánh giá và xin cấp chứng nhận lại tiêu chuẩn FSC cho diện tích rừng Hợp tác xã đành phải gác lại.

Không thiếu kinh phí bởi có sự trợ lực từ các doanh nghiệp nhưng nhiều người trồng rừng sản xuất của huyện Sơn Dương lại gặp khó về giấy tờ đất đai. Đồng chí Lê Hồng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Dương chia sẻ: Hạt đang hỗ trợ người trồng rừng của 11 xã, thị trấn gồm: Trung Yên, Tú Thịnh, Bình Yên, thị trấn Sơn Dương, Phúc Ứng, Thượng Ấm, Vĩnh Lợi, Tân Thanh, Quyết Thắng, Cấp Tiến thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Tuy nhiên cái khó hiện nay là nhiều diện tích đất rừng của người dân chưa được cấp giấy chứng nhận dẫn tới khó khăn trong việc liên kết thành nhóm hộ để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Trong khi đây lại là một tiêu chí đánh giá vô cùng quan trọng. Và để thực hiện cấp được chứng chỉ, các hộ trồng rừng lại phải thêm 1 thủ tục đó là xin giấy xác nhận của chính quyền địa phương về nguồn gốc đất, mục đích, thời gian được sử dụng lâu dài và không có sự tranh chấp.

Tập trung tháo gỡ

Để tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như sớm xác định thị trường đối với sản phẩm gỗ rừng trồng để lựa chọn tiêu chuẩn cấp chứng chỉ phù hợp; đẩy nhanh tiến độ điều tra, rà soát hiện trạng rừng để thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; bổ sung các đơn vị có năng lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC.

Rừng được cấp chứng chỉ FSC của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương.

Rừng được cấp chứng chỉ FSC của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương.

Cùng với đó, ngành tăng cường liên kết và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Ngành cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện đúng nội dung đã cam kết khi tham gia cấp chứng chỉ rừng; tổ chức kế hoạch thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ cho người dân có diện tích rừng tham gia thực hiện cấp chứng chỉ, không để xảy ra tình trạng người dân bán gỗ đã được cấp chứng chỉ FSC với lý do các doanh nghiệp không thu mua, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thiệt hại về nguồn vốn của doanh nghiệp khi thực hiện cấp chứng chỉ… Các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tích cực chủ động thu hút các doanh nghiệp.

Tại huyện Hàm Yên để mở rộng diện tích rừng FSC huyện đã mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư hỗ trợ các nhóm hộ để thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn. Đã có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Lâm nghiệp Phú Thịnh và Công ty TNHH chế biến và Thương mại Thanh Hà bắt tay trồng rừng theo tiêu chuẩn với người dân. Đồng chí Vương Văn Ninh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hàm Yên cho biết: Với sự hỗ trợ kinh phí của doanh nghiệp chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm đã có gần 5.400 ha rừng trồng sản xuất của người dân được cấp chứng chỉ FSC, nâng tổng diện tích rừng có chứng chỉ toàn huyện lên trên 14.550 ha. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hàm Yên, sự bắt tay của doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên, người trồng rừng không còn bị áp lực về chi phí để phát triển rừng theo tiêu chuẩn, doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu có chất lượng, ngành chức năng sẽ quản lý hiệu quả diện tích rừng trồng…

Trên địa bàn huyện Sơn Dương, 3 doanh nghiệp có tầm cỡ trong ngành chế biến lâm sản trong và ngoài tỉnh cũng đồng hành để hỗ trợ người trồng rừng trong việc cấp chứng chỉ rừng bền vững. Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tín Đức Vinh, doanh nghiệp hàng đầu tại Phú Thọ xuất khẩu gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn cho biết: Doanh nghiệp đang hỗ trợ đầu tư vào 3 xã trên địa bàn huyện Sơn Dương gồm: Vĩnh Lợi, Cấp Tiến và Đông Thọ. Hiện tại doanh nghiệp đã tổ chức họp với chính quyền các xã, làm việc với các hộ dân có nhu cầu và đánh giá thực địa. Ông Đoàn khẳng định, từ nay đến tháng 9 doanh nghiệp sẽ hoàn tất hồ sơ để đề nghị Tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế cấp chứng chỉ theo đúng lộ trình.

Theo đồng chí Lê Hồng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Dương, Hạt đang tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai huyện đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trồng rừng.

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh có trên 54.627 ha đã được cấp chứng chỉ FSC, hiện dư địa vẫn còn rất lớn. Do đó, các địa phương cần chủ động tháo gỡ những khó khăn, mở rộng diện tích rừng theo tiêu chuẩn với những diện tích rừng đủ điều kiện. Bởi cấp được chứng chỉ FSC sẽ đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững đây là mục tiêu tỉnh đang hướng đến đồng thời cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/thao-go-kho-khan-mo-rong-dien-tich-rung-fsc-194524.html