Tháo gỡ khó khăn, nối lại xuất khẩu, tiêu thụ nông sản

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ở tỉnh ta. Dù việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đã được thực hiện trở lại nhưng mức vẫn ở dạng cầm chừng. Trước khó khăn này, các các doanh nghiệp chế biến đang nỗ lực tìm cách nối lại xuất khẩu, tiêu thụ nông sản.

Bộ phận đóng gói của Công ty Chè Sông Lô (Yên Sơn) thời điểm này đang phải tăng ca để đóng gói 25 tấn chè khô xuất khẩu vào thị trường Afghanistan thông qua khâu trung gian tại Hà Nội. Ông Vũ Đức Tráng, Phó Giám đốc Công ty cho biết, nếu như mọi năm sản phẩm chè xanh, chè đen của công ty được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nga, Trung Đông và một số nước Nam Á thì năm nay do dịch bệnh Covid-19, lượng hàng xuất khẩu vào thị trường này rất nhỏ giọt. Đặc biệt trong tháng 4 vừa qua, công ty không thể xuất khẩu được đơn hàng nào. Duy trì sản xuất, kinh doanh, một mặt công ty nối lại xuất khẩu với bạn hàng truyền thống, mặt khác thực hiện xuất khẩu nội địa (bán lại sản phẩm cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu). Với giải pháp này, tháng 5 vừa qua, công ty đã tiêu thụ trên 187 tấn chè khô, doanh thu đạt 4,58 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2019. Hiện, công ty thực hiện liên kết với các doanh nghiệp tuyển chọn, sản xuất chè đặc sản tinh chế cung ứng vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan...

Công ty cổ phần Chè Sông Lô (Yên Sơn) đóng hàng xuất khẩu vào thị trường Afghanistan.

Công ty cổ phần Chè Sông Lô (Yên Sơn) đóng hàng xuất khẩu vào thị trường Afghanistan.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đã thực hiện chiến lược “đánh” vào thị trường bán lẻ để tiêu thụ đường. Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó tổng Giám đốc Công ty cho biết, thay vì bán buôn đường cho các tổ chức, doanh nghiệp và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch như trước đây, hiện nay công ty đã chuyển hướng sang bán giao cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Cách làm này tuy vất vả, song lượng hàng đi rất đều, ít rủi ro. Từ tháng 4 đến nay, công ty đã tiêu thụ được 5.000 tấn đường thông qua hệ thống đại lý. Như vậy, đến thời điểm này, công ty đã tiêu thụ được 2/3 sản lượng đường sản xuất niên vụ 2019 - 2020.

Dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc tiêu thụ, nối lại xuất khẩu song vẫn còn rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp còn nhiều. Tại Công ty Chè Sông Lô còn 491 tấn chè đã qua chế biến, Công ty Chè Mỹ Lâm trên 400 tấn, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương còn khoảng 5.000 tấn đường...

Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở đã làm việc với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kết nối bạn hàng giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với mặt hàng xuất khẩu, sở đã báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công thương, Hải quan, Thuế tạo mọi điều kiện thủ tục, danh mục để các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu khi thông quan. Ông Liễn cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở các nước, các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu bên cạnh việc kết nối lại thị trường truyền thống, cần có chiến lược phát triển thị trường mới, đồng thời quan tâm hơn đến thị trường nội địa - đây được coi là thị trường giàu tiềm năng, ít rủi ro nhất; thực hiện sản xuất theo đơn đặt hàng, đảm bảo hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó, giảm thiểu tổn thất trong quá trình lưu kho, lưu bãi...

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/thao-go-kho-khan-noi-lai-xuat-khau-tieu-thu-nong-san-133439.html