Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân nguồn vốn đầu tư công

Điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng hấp thụ và giải ngân tốt; tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý các dự án đầu tư xây dựng; đơn giản hóa các thủ tục, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ bản… là những giải pháp đã và đang được tỉnh, các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Dự án cầu Đầm Vạc là một trong các công trình trọng điểm đang được các đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành đúng thời gian.

Dự án cầu Đầm Vạc là một trong các công trình trọng điểm đang được các đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành đúng thời gian.

Tính đến ngày 7/6/2021, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trên địa bàn huyện Sông Lô là gần 194 tỷ đồng; trong đó hơn 70 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2020 chuyển sang năm 2021; hơn 123 tỷ đồng được giao năm 2021.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ngay từ đầu năm, UBND huyện Sông Lô đã thực hiện phân bổ chi tiết nguồn vốn cho 47 dự án do huyện quản lý; trong đó có 30 dự án giao thông, 7 dự án giáo dục và đào tạo, 3 dự án trụ sở và các công trình quản lý nhà nước khác, 4 dự án hạ tầng kỹ thuật, 3 dự án quy hoạch. Hỗ trợ bổ sung có mục tiêu 17 dự án cấp xã, thị trấn làm chủ đầu tư.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, huyện ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp, các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và một số dự án quan trọng phục vụ phát triển KT-XH của địa phương; chỉ đạo Ban quản lý dự án Đầu tư và xây dựng đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tuy nhiên, tiến độ thi công một số dự án chậm; số dự án hoàn thành nhưng chậm quyết toán còn nhiều.

Tính đến ngày 7/6/2021, huyện có 13 dự án được thẩm tra, phê duyệt quyết toán với tổng giá trị thẩm tra trên 53 tỷ đồng, còn 74 dự án do cấp xã làm chủ đầu tư chưa thực hiện thẩm tra phê duyệt quyết toán; 4 dự án đầu tư, xây dựng mới được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu trong quý III/2021.

Ước 6 tháng đầu năm, toàn huyện mới giải ngân được hơn 83 tỷ đồng, đạt 43,03% so với kế hoạch vốn được phân bổ .

Xác định đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy phát triển KT- XH của tỉnh, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn cho các sở, ngành, địa phương theo các tiêu chí đảm bảo đúng Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; chỉ đạo các chủ đầu tư thường xuyên báo cáo, cập nhật thông tin và kịp thời cho ý kiến, giải quyết vướng mắc khó khăn; trong đó tập trung vào công tác hỗ trợ, bồi thường GPMB, thi công công trình.

Trong quá trình điều hành, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, không để vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; định kỳ hằng tháng chỉ đạo cơ quan chuyên môn báo cáo tiến độ thực hiện đầu tư công.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2021 đến nay là hơn 10.000 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2021, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 2.200 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch.

Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tiến độ triển khai chậm, các địa phương cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên của kỳ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên đến đầu tháng 4/2021, Trung ương mới có văn bản hướng dẫn, thông báo số vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn để các địa phương có sở sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư, bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chồng chéo và liên tục thay đổi, nhất là năm 2021, pháp luật về xây dựng thay đổi nhiều nội dung nên các cơ quan, đơn vị của chủ đầu tư chưa kịp cập nhật, lúng túng trong việc triển khai thực hiện, kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư.

2021 cũng là năm đầu kỳ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2030 nên các dự án khởi công mới đều chưa có trong kế hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thực hiện thủ tục bổ sung, trong khi đó thời gian thực hiện bổ sung quy hoạch mất khá nhiều thời gian, nên một số dự án không giải ngân được vốn.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn đến nhiều phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng và việc huy động nhân công, tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án.

Vẫn còn tình trạng nhà thầu, chủ đầu tư tập trung khối lượng đến cuối năm thanh toán một lần, chưa thực hiện thanh toán khối lượng hàng tháng khi có phát sinh.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu đầu tư chủ động có kế hoạch, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Xem xét thu hồi kế hoạch đầu tư của sở, ngành, địa phương đến ngày 30/9/2021 giải ngân dưới 60% để điều chỉnh, bổ sung cho các đơn vị có tiến độ giải ngân tốt.

Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp công tác chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý các dự án đầu tư xây dựng.

Khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã có quyết định nhiệm vụ đầu tư; triển khai thực hiện thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu đối với các dự án đã có quyết định đầu tư.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64728/thao-go-kho-khan-trong-giai-ngan-nguon-von-dau-tu-cong.html