Tháo gỡ khó khăn trong quản lý các dự án sau cấp Chứng nhận đăng ký đầu tư

Mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, biến động của kinh tế trong và ngoài nước nhưng môi trường đầu tư kinh doanh tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh vẫn có bước cải thiện. Để đạt được kết quả đó, Vĩnh Phúc luôn chủ động, đồng hành và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý cũng như hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với thu nhập khá. Ảnh: Chu Kiều

Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với thu nhập khá. Ảnh: Chu Kiều

Thời gian qua, công tác quản lý các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh luôn hoạt động hiệu quả, nhất là trong quản lý lao động, môi trường; kiểm tra, giám sát; hỗ trợ doanh nghiệp; PCCC, ANTT…

Trong 8 tháng năm 2022, Ban Quản lý các KCN (BQL) đã thực hiện cấp/cấp lại 320 Giấy phép lao động (GPLĐ); chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 93 lượt DN; tiếp nhận 36 nội quy lao động, 11 thỏa ước tập thể và đăng ký thêm 300 giờ cho 22 DN.

Thường xuyên đôn đốc các DN thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lao động có yếu tố nước ngoài làm việc tại Vĩnh Phúc. Chỉ đạo các DN tăng cường công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường nước và không khí; quản lý rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt theo quy định.

Trong 8 tháng 2022, tại các KCN không xảy ra sự cố môi trường. BQL các KCN đã ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN hoàn thiện hồ sơ thẩm duyệt PCCC; nghiệm thu và thành lập đội PCCC chuyên ngành để báo cáo UBND tỉnh.

Ban hành văn bản đề nghị Sở KH&ĐT xử phạt vi phạm hành chính đối với dự án sản xuất, thiết kế khuôn mẫu của Công ty TNHH SVP (KCN Bình Xuyên); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Bá Thiện II của Công ty Cổ phần Vina – CPK và dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tam Dương II – khu A của Công ty TNHH Vitto – VP.

Đề nghị UBND huyện Bình Xuyên xử lý vi phạm hành chính đối với trạm trộn bê tông tại KCN Sơn Lôi. Cùng đó, ban hành nhiều lượt văn bản hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, lao động và xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, triển khai các dự án…

Theo lãnh đạo BQL các KCN, khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay trong công tác quản lý các dự án sau cấp Chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh là việc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động; lĩnh vực kế hoạch, đầu tư; xây dựng và quản lý lao động…

Theo Nghị định 152 của Chính phủ quy định việc gia hạn GPLĐ do hết hạn thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐ – TB&XH. Việc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động là một quy trình khép kín từ việc cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi GPLĐ.

Việc xé lẻ từng nội dung cho 2 cơ quan quản lý trong quy trình khép kín sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý lao động có yếu tố nước ngoài làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh.

Có tình trạng trên là do Bộ LĐ – TB&XH chưa ban hành thông tư thay thế Thông tư số 32 hướng dẫn ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động trong các KCN, khu kinh tế và khu công nghệ cao, trong đó có nội dung ủy quyền thủ tục gia hạn GPLĐ.

Qua kiểm tra, giám sát, BQL đã phát hiện một số DN phát sinh vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư; xây dựng và quản lý lao động tới mức phải xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, BQL lại không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính. Khi phát hiện sai phạm thì không đủ thẩm quyền áp dụng chế tài xử lý mà phải báo cáo, phối hợp với các cơ quan chuyên ngành hoặc báo cáo UBND tỉnh để xem xét, quyết định nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giám sát, đôn đốc DN thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Phần lớn các DN hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN chưa thành lập đội PCCC chuyên ngành, chưa đầu tư được xe chữa cháy chuyên dụng do kinh phí duy trì hoạt động cao, gây tốn kém, mà thực tế sử dụng không nhiều, DN chưa bố trí được nguồn tài chính để đầu tư.

Để tháo gỡ khó khăn trong quản lý các dự án sau cấp Chứng nhận đăng ký đầu tư, thời gian tiếp theo, BQL các KCN kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố (nơi có các KCN) phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý lao động và đảm bảo ANTT ngoài hàng rào các KCN trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đảm bảo thực hiện các TTHC đúng quy định.

Cùng với đó, giao Công an tỉnh phối hợp với BQL hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ thiết kế thi công; thẩm duyệt, nghiệm thu hệ thống PCCC tại KCN Bá Thiện (khu 75,9ha) và các nội dung khác có liên quan đến PCCC.

Cho phép Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư Vĩnh Phúc (BQL) thuê đơn vị có đủ tư cách pháp nhân, năng lực để thực hiện công tác PCCC & CHCN tại chỗ. Bên cạnh đó, được phép bố trí nơi làm việc, nơi ăn nghỉ, nhà để xe chữa cháy cho lực lượng PCCC đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCCC tại KCN Bá Thiện.

Đối với các bộ, ngành Trung ương, BQL đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cho BQL. Đề nghị Bộ Lao động – TB&XH sớm ban hành thông tư sửa đổi, thay thế Thông tư số 32 đã không còn phù hợp trong thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động trong KCN.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83011/thao-go-kho-khan-trong-quan-ly-cac-du-an-sau-cap-chung-nhan-dang-ky-dau-tu.html