Tháo gỡ khó khăn trong thi hành án dân sự ở Trực Ninh
Thời gian qua, công tác thi hành án dân sự (THADS) ở Trực Ninh gặp nhiều khó khăn do số lượng án tồn ngày càng tăng. Xác định những khó khăn trên, Chi cục THADS huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt để nâng cao hiệu quả thi hành án. Đồng chí Vũ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trực Ninh cho biết... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời gian qua, công tác thi hành án dân sự (THADS) ở Trực Ninh gặp nhiều khó khăn do số lượng án tồn ngày càng tăng. Xác định những khó khăn trên, Chi cục THADS huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt để nâng cao hiệu quả thi hành án.
Đồng chí Vũ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trực Ninh cho biết: Nguyên nhân công tác thi hành án của huyện gặp khó khăn là do các vụ án có giá trị thi hành lớn nhưng giá tài sản thế chấp thấp; người phải thi hành án phần lớn có nhà đất nhưng đều là nhà ở duy nhất, nằm sâu trong ngõ xóm có giá trị thấp, tổ chức cưỡng chế bán đấu giá để thi hành án không có người đăng ký mua tài sản mặc dù đã giảm giá nhiều lần và giá trị của tài sản còn lại rất thấp. Số lượng án ủy thác từ nơi khác chuyển về số lượng tiền nhiều, mặc dù có địa chỉ nhưng người phải thi hành án đi làm ăn xa nên rất khó khăn trong công tác thi hành án. Ý thức pháp luật của đa số người phải thi hành án chưa cao, luôn tìm mọi lý do để trốn tránh việc thi hành. Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 cũng tác động làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như kết quả công tác THADS... Trước tình hình đó, Chi cục chủ động báo cáo, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền huyện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo THADS trên địa bàn, nhất là các vụ, việc phức tạp kéo dài, có số lượng tiền lớn ảnh hưởng đến an ninh nông thôn. Bên cạnh đó, Chi cục nâng cao chất lượng xác minh, phân loại án đảm bảo chính xác và tập trung nguồn lực để tổ chức thi hành các vụ, việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ giá trị lớn, phức tạp, án tín dụng, ngân hàng, các khoản thu cho ngân sách Nhà nước. Đối với các trường hợp đương sự có điều kiện thi hành án mà cố tình chây ỳ, chống đối thì khi hết thời gian tự nguyện, cơ quan sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp kê biên, cưỡng chế, đảm bảo sự nghiêm minh của các bản án, quyết định của tòa án. Đặc biệt trong quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục đã thực hiện hiệu quả công tác vận động, giáo dục thuyết phục làm biện pháp thi hành án chủ đạo và đạt hiệu quả cao. Trong đó, Chi cục đã tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chuyên môn, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong huyện tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước giúp đương sự, gia đình và người thân nhận thức được quyền, nghĩa vụ và tự nguyện thi hành án. Cùng với đó, lãnh đạo Chi cục chỉ đạo chấp hành viên, cán bộ thi hành án nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Tòa án, khai thác các thông tin trong bản án, đồng thời xác minh rõ các vấn đề về nhân thân, tài sản và các mối quan hệ mâu thuẫn của các bên đương sự, nơi cư trú,… để tìm ra biện pháp thỏa thuận thi hành án phù hợp, tránh tình trạng phải tổ chức cưỡng chế kéo dài thời gian, có thể xảy ra các tình huống phức tạp khác. Cán bộ thi hành án, chấp hành viên cũng luôn bám sát cơ sở, nơi cư trú của đương sự tìm hiểu, thu thập thông tin, nắm bắt kịp thời các tình huống phát sinh liên quan đến việc thi hành án để có biện pháp xử lý kịp thời. Qua đó, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được Chi cục giải quyết dứt điểm. Điển hình như vụ việc ông Trần Văn Nam, xóm Hồng Thái, xã Trực Cường (Trực Ninh) phải hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Đông Xuất, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) số tiền 610 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án. Tuy nhiên, ông Nam hiện đang đi thụ hình trong trại giam, vợ ông và các con đều không có mặt ở địa phương. Ông Nam không có nguồn thu nhập nào ở địa phương. Về tài sản vợ chồng ông Nam có đứng tên một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 981m2 và các công trình xây dựng trên đất gồm 4 gian nhà ngói, công trình phụ, thời gian xây dựng từ năm 1977 do bố mẹ ông Nam là ông Việt và bà Rựu xây dựng. Ông Việt đã chết, bà Rựu đang trực tiếp quản lý, sử dụng các công trình nêu trên. Sau khi xác minh, Chi cục THADS huyện đã làm việc để nghe bà Rựu trình bày nguồn gốc đất đai, nhà cửa. Bà Rựu cho biết đất đai, nhà cửa là do vợ chồng bà tạo lập. Năm 2009, anh Nam đề nghị ông bà chuyển quyền sử dụng đất cho vợ chồng anh để dùng làm tài sản thế chấp vay ngân hàng lấy vốn làm ăn nên ông bà đã đồng ý. Nay anh Nam đang đi tù, vợ con không có liên lạc gì với gia đình. Rất nhiều lần chấp hành viên đã trực tiếp đôn đốc tác động với người thân của ông Nam để tìm hướng giải quyết vụ việc; trao đổi với xã Trực Cường và nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương cũng như việc phân định tài sản chung của vợ chồng ông Nam. Qua việc kiên trì bằng hình thức tiếp xúc trực tiếp cũng như qua đường liên lạc điện thoại nhiều lần, chấp hành viên Chi cục THADS huyện đã chủ động kết nối và tổ chức cho hai bên đương sự thỏa thuận với nhau. Trong quá trình thỏa thuận của hai bên đương sự, chấp hành viên đã nêu rõ các quyền và nghĩa vụ đối với từng bên đương sự, các quy định pháp luật hiện hành trong công tác tổ chức THADS; trong đó đặc biệt lưu ý đến lợi ích của các bên đương sự nếu thỏa thuận thành, nêu rõ những khó khăn nếu việc thỏa thuận không thành phải áp dụng các biện pháp khác. Với tinh thần và tình cảm, gia đình anh Nam đã cố gắng hết sức tập trung mọi nguồn lực kể cả việc phải đi vay mượn để có được 100 triệu 400 nghìn đồng để nộp tiền án phí, sung ngân sách Nhà nước 28 triệu 400 nghìn đồng và trả cho bà Huệ là 72 triệu đồng. Qua sự cố gắng nỗ lực của gia đình anh Nam và tác động của chấp hành viên, bà Huệ đã mở rộng lòng khoan dung chấp nhận sự thỏa thuận nộp số tiền trên của gia đình ông Nam và đề nghị số tiền còn lại là 536 triệu đồng và toàn bộ lãi suất chậm thi hành án không yêu cầu thi hành án nữa, đề nghị cơ quan Thi hành án đình chỉ số tiền trên. Buổi thỏa thuận đã thành công trong không khí vui vẻ của cả hai bên đương sự, vụ việc đã được thi hành dứt điểm.
Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, công tác THADS của huyện Trực Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực, hạn chế thấp nhất tình trạng án tồn đọng. Năm 2021, Chi cục đã giải quyết xong 348/437 vụ việc có điều kiện thi hành. Về tiền đã giải quyết xong trên 4 tỷ 691 triệu 401 nghìn đồng/10 tỷ 277 triệu 863 nghìn đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 55,36%, vượt 15,31% chỉ tiêu giao./.
Bài và ảnh:Văn Trọng