Tháo gỡ khó khăn trong việc cấp hồ sơ lưu hành, sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế
Hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế đã cùng đối thoại với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế nhằm trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị hồ sơ, cấp phát hồ sơ trong sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế.
Ngày 11/7, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Y tế phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức khai mạc Hội nghị Đối thoại giữa Bộ Y tế và các doanh nghiệp thiết bị y tế năm 2024. Tham dự hội nghị có hơn 300 doanh nghiệp trên cả nước. Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên dự, chủ trì hội nghị.
Hội nghị là cơ hội để các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng chia sẻ, thảo luận, tìm ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong thời gian qua, từ đó góp phần hoàn thiện thể chế quản lý, khơi thông những điểm nghẽn trong công tác quản lý thiết bị y tế, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Lĩnh vực thiết bị y tế trong khoảng 10 năm trở lại đây ở nước ta đã có những bước tiến lớn trong việc thực hiện hội nhập về quản lý.
Trong nỗ lực hài hòa các quy tắc quản lý lĩnh vực thiết bị y tế, ASEAN đã xây dựng Hiệp định ASEAN về thiết bị y tế (AMDD). Ở Việt Nam, Nghị định 36/2016/NĐ-CP; Nghị định 169/2019/NĐ-CP, Nghị định 98/2021/NĐ-CP, Nghị định 07/2023/NĐ-CP đã ban hành và thống nhất quản lý về thiết bị y tế hài hòa cơ bản với các quy định của AMDD. Lĩnh vực thiết bị y tế đã có những đóng góp to lớn trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam.
Bộ Y tế đánh giá cao những kết quả hoạt động tích cực của doanh nghiệp trong các mặt công tác như cung ứng cho thị trường hàng trăm nghìn chủng loại, mã sản phẩm thiết bị y tế các loại với chất lượng ngày càng cao, hiệu quả, bền vững với chi phí phù hợp, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các doanh nghiệp thiết bị y tế cần chủ động và quan tâm hơn nữa trong công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng các sản phẩm thiết bị y tế cung ứng cho thị trường và người dân với chi phí phù hợp.
Mở rộng hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất thiết bị y tế trong nước, từng bước hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng thiết bị y tế toàn cầu;
Theo Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), tổng chi tiêu cho thiết bị y tế của Việt Nam hiện nay khoảng 2,3 tỷ USD. Việt Nam là một trong những nước có thị trường thiết bị y tế tiềm năng trong khu vực và thế giới.
Theo Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế (Bộ Y tế), hiện nay số lượng hồ sơ chưa được cấp số lưu hành theo Nghị định 98/2021/NĐ-CP là rất lớn. Cụ thể, hiện đang tồn đọng gần 8.000 hồ sơ trong khi giấy phép nhập khẩu sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024.
Đến ngày 27/6, Bộ Y tế đã tiếp nhận 11.118 hồ sơ đăng ký lưu hành thiết bị y tế loại C, D cấp nhanh, cấp khẩn cấp, qua đó đã thẩm định và xử lý 10.684 hồ sơ (chiếm 96,0%), trong đó: 3.446 hồ sơ đã cấp phép (chiếm 30,9%); 1.044 hồ sơ đã thu hồi, hủy hoặc từ chối (chiếm 9,4%); 6.194 hồ sơ đã có văn bản đề nghị bổ sung (chiếm 55,7%).
Hội nghị diễn ra đến hết ngày 12/7.