Tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Mới đây, Bộ Tài chính cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phân tích chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 2020 còn thấp, qua đó tìm các giải pháp tháo gỡ.

Với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và các chủ dự án, tính tới thời điểm hiện tại giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 đạt 7.427 tỷ đồng tương ứng với 13,1% dự toán của năm 2020 và cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019 (2.050 tỷ đồng/ 7,427 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục giải ngân phần vốn của năm 2019 chuyển sang là 7.198 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân như: tích cực đôn đốc các cơ quan chủ quản, chủ dự án đẩy nhanh tiến độ phân khai, nhập Tabmis và giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài; xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân các bộ, ngành có kế hoạch vốn lớn...

Sẽ đẩy mạnh các phương án giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Ảnh: Dương Lâm

Từ quá trình theo dõi, đánh giá công tác giải ngân và làm việc sơ bộ của Bộ Tài chính với các bộ, ngành, địa phương, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, có 7 nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án, trong đó nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án. Bên cạnh đó, thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung hoạt động của dự án thường kéo dài; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Long cho rằng, hầu hết các hoạt động của các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát... nên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.

Được biết, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi.

Cùng với đó là thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt; nhanh chóng thực hiện các hoạt động để triển khai Nghị định thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, KBNN để đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm…

Dương Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thao-go-kho-khan-trong-viec-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2020-post84036.html