Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, tăng cường phối hợp hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những kết quả đạt được và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng BCĐ 389 quốc gia chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng BCĐ 389 quốc gia chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2023

Các lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 214.829 vụ buôn lậu

Trước năm 2014, diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả quy mô và tính chất đã tác động xấu đến môi trường kinh doanh, thị trường hàng hóa trong nước, gây thất thu ngân sách nhà nước ... Nguy hại hơn, trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tham nhũng... Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng này, ngày 19/3/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) với hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, phân công 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban và các Phó Trưởng ban, Ủy viên là các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành trung ương để thực hiện chức năng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao...

Hiện nay, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có sự tham gia của 18 bộ, ngành và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ban Chỉ đạo 389 của 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của các sở, ngành, lực lượng chức năng nòng cốt như: Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý Thị trường, Thuế, Y tế, Nông nghiệp, Cảnh sát biển….

Ông Lê Thanh Hải cho biết, với tinh thần và trách nhiệm cao, Văn phòng Thường trực đã đề xuất lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chuyên đề để chỉ đạo các bộ, ngành, lực lượng chức năng và các địa phương đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả với các tham mưu ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, quyết định...

Mới đây nhất là Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/05/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam….

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký và ban hành nhiều Quyết định, kế hoạch chuyên đề và các công điện để chỉ đạo công tác này. Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch thực hiện, triển khai đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Trong những năm gần đây, trước tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến biên giới đường bộ và qua cảng hàng không có diễn biến mới, phức tạp hơn, Văn phòng Thường trực đã tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ký, ban hành các Kế hoạch như: Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/09/2022 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; Kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 ngày 22/11//2022 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế...

Kết quả, từ năm 2015 đến năm 2023, các lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 214.829 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm; 1.170.800 vụ gian lận thương mại; 74.545 vụ sản suất, kinh doanh hàng giả. Khởi tố hình sự 11.946 vụ, với 14.507 đối tượng. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 96.886.048 tỷ đồng.

Khẩn trương tháo gỡ cơ chế, cần sự vào cuộc đồng bộ

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhận định một trong những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đó chính là một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Về nhận định này, ông Lê Thanh Hải cho hay, Ban Chỉ đạo 389 đã rà soát và thống kê với khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách pháp luật (văn bản quy phạm pháp luật): Liên quan đến 9 Bộ luật và luật, 1 Pháp lệnh, 1 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 33 Nghị định, 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 20 Thông tư, được đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế và hướng dẫn thực hiện.

Về quan hệ phối hợp, các quy chế phối hợp giữa các lực lượng, đơn vị chức năng, địa phương về cơ bản đã phối hợp thực hiện tốt. Tuy nhiên có lúc, có nơi, có đơn vị, địa phương, khu vực vẫn còn tình trạng cát cứ địa bàn, lợi ích, thành tích, vùng miền, lực lượng... Qua công tác rà soát cho thấy, việc chia sẻ thông tin còn hạn chế, không thường xuyên, chưa đồng bộ kết nối khai thác được các lợi thế dữ liệu thông tin của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối với cơ quan thực thi pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế...

Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - Ảnh: VGP/HT

Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - Ảnh: VGP/HT

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 cho hay: Trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ chủ động theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành, địa phương; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, những vấn đề, lĩnh vực phức tạp, nổi cộm trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo xử lý kịp thời. Đồng thời, Văn phòng Thường trực cũng chủ trì, phối hợp Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng, đơn vị, địa phương thực hiện các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Ông Lê Thanh Hải đánh giá, kết quả trong 10 năm qua khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân đã từng bước ngăn chăn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không ngừng được bổ sung và hoàn thiện; công tác tuyên truyền được đổi mới... Văn phòng Thường trực đã phát huy được vai trò nòng cốt trong tham mưu chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện cácn quyết, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Những kết quả này là rất quan trọng, đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Dự báo thời gian tới, đại diện Ban Chỉ đạo 389 nhận định: Diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và phức tạp cả địa bàn, quy mô và tính chất.

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Khẩn trương tiến hành rà soát các chương trình, kế hoạch công tác, chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được và các giải pháp khắc phục thời gian tới, gắn với việc kiện toàn các Ban Chỉ đạo, bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả.

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,... nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường...

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thao-go-kho-khan-ve-co-che-tang-cuong-phoi-hop-hieu-qua-trong-cong-tac-phong-chong-buon-lau-102240605140642551.htm