Tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm do Covid-19: Hỗ trợ mạnh hơn nữa

Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) về triển vọng kinh tế toàn cầu cho thấy, nền kinh tế thế giới trong những tháng tới sẽ tiếp tục suy giảm. Thương mại, du lịch và các ngành nghề có tính giao thương quốc tế sẽ bắt đầu hoạt động trở lại nhưng sẽ khó có sự hồi phục mạnh mẽ.

Trước bối cảnh hiện tại, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức và cơ hội đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm tại các doanh nghiệp.

Từ thách thức…

Ngày 29/6, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19”. Thông tin tại hội nghị, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020. Số lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), riêng trong quý I/2020 đã có 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số kỷ lục từ trước tới nay. Hơn 75% doanh nghiêp phải thu hẹp quy mô lao động và có gần 10% doanh nghiệp phải giảm một nửa quy mô lao động.

Tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, ngành bán buôn bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú ăn uống.

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp, ước tính giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra.

Mặc dù dịch bệnh trong nước đã được khống chế tương đối tốt, diễn biến dịch ở 3 khu vực trọng điểm là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa thực sự có những chuyển biến tích cực, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế trong nước.

Đối với nền kinh tế có độ mở cao bậc nhất thế giới như Việt Nam, khi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc không thể hoạt động bình thường thì các hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo, du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việt Nam vừa gặp khó khăn trong nhập khẩu nguyên vật liệu, vừa không thể xuất khẩu khi các thị trường đối tác bị ngưng trệ.

Theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH, các hoạt động kinh tế ở những tháng cuối năm và cho cả năm 2021 có thể khá ảm đạm.

...đến cơ hội

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội trong nước, kéo theo những khó khăn cho thị trường lao động. Mặt khác, Việt Nam với thành công đặc thù trong việc phòng, chống dịch đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các dòng vốn này đang hướng tới Việt Nam để tìm kiếm hiệu quả đầu tư, tìm kiếm lao động, môi trường kinh doanh, thể chế và để di dời các nguồn vốn cũ khỏi các thị trường truyền thống. Việt Nam đang được coi là điểm đến an toàn, tiềm năng, là trung tâm đầu tư và sản xuất tối ưu trong ngắn hạn và trung hạn.

Trước những thách thức và cơ hội như vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa, phù hợp với nhu cầu thực tế và sẵn sàng cho các cơ hội tương lai?

Trong khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã sớm ban hành nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với doanh nghiệp, mặc dù đã có các chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc, tạm ngừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất… nhưng chưa thực sự có tác động sâu sắc.

Ảnh hưởng của dịch còn lâu dài và phức tạp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhận định, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động là rất cấp bách, tới đây cần hỗ trợ mạnh hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, phiên họp của Chính phủ tới đây sẽ tiếp tục bàn giải pháp hỗ trợ mạnh hơn cho người lao động

Bộ LĐ-TB&XH đã thảo luận, đưa ra một số giải pháp, cách tiếp cận cụ thể, trong đó Bộ kiến nghị Chính phủ có những chính sách, chiến lược mạnh dạn, tức thời để khai thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, đơn giản hóa thủ tục và điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp tự tin hơn trong đầu tư dài hạn.

Về phí Bộ LĐ-TB&XH sẽ chủ động nắm bắt thị trường lao động để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt nguồn lao động, chuyên gia nước ngoài, lao động bị thôi việc, mất việc làm…; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu - lao động cũng như thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, sử dụng lao động, thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động; Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; Xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Rà soát các quy định pháp luật về lao động, việc làm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt hoặc ngừng hoạt động, phá sản. Đồng thời, hỗ trợ người lao động duy trì, ổn định cuộc sống trong bối cảnh ngừng việc, mất việc làm, giảm thu nhập; Tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khắc phục khó khăn để ổn định, phát triển sản xuất.

Nguyễn Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thao-go-kho-khan-ve-lao-dong-viec-lam-do-covid-19-ho-tro-manh-hon-nua-139683.html