Tháo gỡ khó khăn về thiếu giáo viên trong năm học mới
Nhu cầu thực tế
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn tỉnh hiện thiếu hơn 1.800 giáo viên các cấp học; trong đó, chủ yếu là giáo viên cấp THCS, tiểu học và mầm non. Mặc dù, với sự quan tâm, vào cuộc từ nhiều phía trong tổ chức thi tuyển viên chức ngành Giáo dục cho các cấp học, nhưng trên thực tế, do nhiều nguyên nhân nên tình trạng thiếu giáo viên vẫn là nỗi lo của các nhà trường, của các cấp học và của ngành Giáo dục trong mỗi năm học.
Cán bộ quản lý các nhà trường đều mong muốn được phân bổ biên chế hợp lý, giúp đơn vị chủ động về nhân lực, phát huy hiệu quả công tác GD&ĐT, bảo đảm kế hoạch phát triển giáo dục hằng năm. Vì trước yêu cầu đổi mới GD&ĐT ngày một cao như hiện nay, nếu các nhà trường không chủ động được nhân sự, thiếu biên chế sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Như ở thành phố Phủ Lý, năm học 2023 - 2024, quy mô trường, lớp trên địa bàn có sự biến động do gia tăng học sinh ở các cấp học. Trong đó, cấp học mầm non tăng 3 nhóm, lớp; cấp THCS hệ công lập tăng thêm 20 lớp; riêng cấp tiểu học hệ công lập có số lớp giảm tới 16 lớp nhưng là hệ quả của việc thiếu giáo viên phải thực hiện dồn lớp. Đến đầu năm học, toàn ngành Giáo dục thành phố có 1.766 cán bộ, giáo viên, nhân viên; so với định mức còn thiếu 289 cán bộ, giáo viên, nhân viên và so với chỉ tiêu giao cho ngành từ đầu năm 2023 thì còn thiếu 72 chỉ tiêu. Trong đó, cấp học mầm non hiện có 598 người/631 chỉ tiêu biên chế được giao, nhưng theo nhu cầu, định mức là 735 người, cấp học cần thêm 137 người gồm 110 giáo viên và 27 nhân viên; so với chỉ tiêu biên chế được giao, cần thêm 33 người. Cấp tiểu học hiện có 652 người/680 chỉ tiêu biên chế được giao, còn thiếu 56 người mới đáp ứng nhu cầu theo định mức và thêm 28 người để đủ với chỉ tiêu biên chế được giao. Đối với cấp THCS, thành phố hiện có 516 người/527 chỉ tiêu biên chế được giao, so với định mức cần thêm 96 người (gồm 74 giáo viên, 22 nhân viên) và so với chỉ tiêu biên chế được giao cần bổ sung thêm 11 người. Đặc biệt, nếu tính theo nhu cầu và định mức của ngành (quy định cấp mầm non có từ 2,2 - 2,5 giáo viên/nhóm, lớp và 2 nhân viên/trường; cấp tiểu học quy định 1,5 giáo viên/lớp cùng 1 tổng phụ trách Đội và 2 nhân viên/trường; cấp THCS quy định 1,9 giáo viên/lớp cùng 1 tổng phụ trách Đội và 3 nhân viên - PV), thì trong năm học mới 2023 - 2024, thành phố cần được bổ sung tới 289 chỉ tiêu biên chế cho cả ba cấp học.
Cấp học mầm non là một trong những cấp học thiếu nhiều giáo viên nhất, cần sớm được bổ sung để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Ảnh: Hà Trần
Căn cứ theo chỉ tiêu biên chế được giao, năm học 2023 - 2024 toàn ngành cần tuyển 72 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 33 người cho cấp mầm non, 28 người cho cấp tiểu học và 11 người cho cấp THCS. Tuy nhiên, theo quy định biên chế cắt giảm 2% năm 2024 là 35 chỉ tiêu nên tính đến 1/8/2023 ngành Giáo dục thành phố chỉ còn được tuyển 34 chỉ tiêu viên chức, gồm 24 chỉ tiêu biên chế dành cho vị trí giáo viên và 10 chỉ tiêu thuộc vị trí việc làm kế toán... Điều đó gây nhiều khó khăn cho ngành và các nhà trường trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ, nhất là trong điều kiện số lớp, số học sinh ở một số cấp học biến động tăng.
Hay như ở thị xã Duy Tiên, dự báo đến năm 2030, chỉ riêng số học sinh ở địa bàn các xã, thị trấn lân cận các khu công nghiệp sẽ tăng trên 5.000 học sinh các cấp, trong đó, con công nhân là 2.800 và sẽ phải có thêm 370 phòng học, phòng chức năng cùng gần 500 giáo viên. Tuy nhiên, đến năm học 2023 - 2024, việc bảo đảm giáo viên đứng lớp theo định mức tối thiểu cho các cấp học của thị xã vẫn chưa đạt, cấp học nào cũng thiếu giáo viên. Căn cứ theo định mức quy định, hiện thị xã còn thiếu tới 553 giáo viên các cấp, thiếu nhiều hơn cả mức dự báo đến năm 2030.
Ngay với một địa phương không có quá nhiều khó khăn về đội ngũ như huyện Thanh Liêm thì trong năm học này, các cấp học trên địa bàn vẫn cần được bổ sung 47 giáo viên tiểu học mới đủ 1 giáo viên văn hóa/lớp và 9 giáo viên dạy môn Tin học cấp THCS. Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Liêm cho biết: Cùng với số giáo viên thiếu thực tế, ngành Giáo dục huyện sẽ còn khó khăn hơn khi trong cả năm học, số giáo viên nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ khoảng hơn 40 người nữa. Đây sẽ là những áp lực cho ngành và các nhà trường trong việc bố trí, sắp xếp, phân công giáo viên đứng lớp, bảo đảm có lớp và có học sinh thì phải có giáo viên.
Những giải pháp tích cực
Trước thực tế này, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các trường rà soát quy mô trường lớp, không tách lớp, có thể để lớp vượt quá sĩ số khoảng 5 học sinh/lớp theo quy định đối với các trường thiếu giáo viên, thiếu phòng học; hạn chế nhận học sinh ngoại tuyến ở các trường đang thiếu giáo viên, thiếu phòng và sĩ số học sinh/lớp đã đông. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc biệt phái giáo viên ở những trường còn dư một số tiết sang các trường còn thiếu số tiết ở môn đó so với định mức; biệt phái giáo viên dạy liên cấp tiểu học - THCS đối với các môn chuyên biệt, như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học; kịp thời tiếp nhận giáo viên ở nơi khác về ngay khi có giáo viên nghỉ hưu hay xin nghỉ việc; tăng cường hợp đồng giáo viên đối với những vị trí chưa tuyển dụng được viên chức và có tính đến việc hợp đồng thỉnh giảng với người có trình độ chuyên môn phù hợp với môn giảng dạy, kể cả giáo viên đã nghỉ hưu, giáo viên đang công tác ở các đơn vị khác muốn làm thêm.
Các nhà trường cân đối phân công giáo viên dạy tăng giờ; điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với tình hình đội ngũ hiện có theo hướng môn nào có đủ giáo viên thì bố trí dạy trước, môn nào chưa có giáo viên tạm thời chưa bố trí thời khóa biểu, khi nào có giáo viên được bổ sung thì dạy sau, hoặc kéo dài thời gian thực hiện chương trình thêm hết cả 2 tuần dự phòng của năm học. Có những đơn vị phải thực hiện phân công phó hiệu trưởng đứng lớp giảng dạy trong điều kiện còn thiếu giáo viên hoặc dạy thay giáo viên nghỉ thai sản, ốm đau… Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp tình thế, khắc phục tạm thời khó khăn. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào để có được đội ngũ giáo viên ổn định, đáp ứng tốt cả chất lượng, số lượng cũng như cơ cấu, giúp các nhà trường chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục.
Để giúp ngành Giáo dục và các nhà trường có thể từng bước giải được bài toán thiếu giáo viên, bên cạnh việc tiếp tục tham mưu Chính phủ, các bộ, ngành trung ương trong thực hiện Quyết định số 71-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, ngày 7/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1540/UBND-TCDNC về việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2023, chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện.
Trên cơ sở đánh giá đúng thực tế về nhu cầu giáo viên trong các nhà trường, cấp học trên địa bàn, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có thông báo về việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2023. Theo thông báo này, các địa phương cần tuyển 350 giáo viên, gồm: 119 giáo viên mầm non hạng III, 160 giáo viên tiểu học hạng III, 71 giáo viên THCS hạng III; riêng huyện Thanh Liêm cần tuyển 2 giáo viên cấp THPT bổ sung cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện, với các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể cho từng vị trí dự tuyển.
Căn cứ theo dự kiến kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2023 của tỉnh, hiện tại các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn tất việc thu hồ sơ của người dự tuyển, triển khai các bước theo kế hoạch và làm tốt công tác chuẩn bị cho tổ chức kỳ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2023 của địa phương, bảo đảm các điều kiện để kỳ tuyển dụng diễn ra an toàn, công khai, minh bạch, chính xác, đúng quy định.
Kỳ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm nay ở các địa phương được tỉnh chỉ đạo tổ chức thống nhất về thời gian, dự kiến vào ngày 7/10/2023. Qua đó, nhằm tuyển dụng được viên chức làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đáp ứng tốt yêu cầu vị trí việc làm, bảo đảm chất lượng, số lượng và cơ cấu. Đồng thời, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đội ngũ viên chức ngành Giáo dục đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ GD&ĐT của địa phương, của tỉnh.