Tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho các doanh nghiệp

Sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, kịp thời giải ngân vốn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã từng bước tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất, mở rộng hạn mức tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo tổng hợp của các NHTM trên địa bàn tỉnh, trong tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2025, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng đã giảm phổ biến ở mức 7- 9%/năm đối với ngắn hạn, trên 9-10,5%/năm đối với trung và dài hạn. Cụ thể, tại Techcombank lãi suất cho vay dao động từ 6 -12,9%/năm; Vietinbank từ 6-9,6%/năm; Agribank 6,5-13%/năm. Trong đầu năm 2025, các NHTM tiếp tục rà soát lại những khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, có giải pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ, mở rộng nguồn vốn cho vay, miễn giảm lãi suất. Nhóm khách hàng mà chi nhánh ưu tiên hỗ trợ tín dụng đó là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa tiêu dùng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp chế biến nông sản...

Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay sẽ tác động tích cực, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài giảm lãi suất, các NHTM cũng linh động trong quá trình cho vay vốn: khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn, vay thấu chi và vay dài hạn; các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trong thời hạn dưới 12 tháng để bổ sung vốn lưu động, mua nguyên vật liệu, hàng hóa, thanh toán hoặc khách hàng có thể vay vốn theo hạn mức tín dụng, ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp cần có tài sản bảo đảm, thường là bất động sản như nhà đất, văn phòng; các giấy tờ có giá trị như sổ tiết kiệm hoặc các tài sản khác như ô tô, máy móc thiết bị,…

Ông Lương Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh Agribank Thanh Liêm cho biết: Đối với vay vốn của doanh nghiệp, thường khách hàng có nhu cầu vay từ 1 đến 5 năm đầu tư vào các dự án, tài sản cố định, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đây được xem là loại hình tín dụng phổ biến áp dụng cho các khoản vay trung và dài hạn nhằm phục vụ đầu tư vào các dự án văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, khách sạn, nhà máy sản xuất. Ngoài ra, chi nhánh còn hỗ trợ khách hàng bằng hình thức cho vay thấu chi, cho phép doanh nghiệp được rút vốn vượt quá số tiền hiện có trong tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch chi tiêu ngắn hạn. Hạn mức thấu chi thường được tính trên khả năng tài chính của doanh nghiệp. Nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, chi nhánh đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng, đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.

Hoạt động tại quầy giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng Quốc dân Hà Nam. Ảnh: Hòa Hậu

Hoạt động tại quầy giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng Quốc dân Hà Nam. Ảnh: Hòa Hậu

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã linh động trong quá trình giải ngân vốn cho doanh nghiệp vay và kịp thời điều chỉnh lãi suất cho vay (giảm lãi suất) giúp doanh nghiệp giảm chi phí để tạo nguồn lực tài chính tập trung cho chiến lược kinh doanh dài hạn. Điều này làm tăng tính thanh khoản và khả năng duy trì hoạt động trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải ở thành phố Phủ Lý cho biết: Đối với doanh nghiệp thường xuyên phải sử dụng vốn của ngân hàng, bao gồm vốn vay ngắn hạn và trung dài hạn, khi chi phí vốn rẻ hơn, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư vào phương tiện, máy móc, nâng cao năng suất lao động và duy trì mở rộng được sản xuất. Đối với doanh nghiệp đang cần vốn để mở rộng hoặc duy trì hoạt động, khi lãi suất cho vay giảm sẽ là cơ hội tốt để tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, giảm chi phí tài chính, tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển.

Theo tổng hợp của NHNN, khu vực VII, đến hết tháng 3 năm 2025, dư nợ tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 86 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng hơn 30% nguồn vốn đầu tư cho vay doanh nghiệp. Thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN), quy định về việc tổ chức tín dụng, các NHTM ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, các NHTM đã hỗ trợ với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế (bao gồm cả gốc và lãi) khoảng gần 600 tỷ đồng.

Thời gian tới, NHNN trong khu vực tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tại địa phương, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bão lũ, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng… theo các quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất; đồng thời khuyến khích mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.

Trần Thoan

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/thao-go-kho-khan-ve-von-tin-dung-cho-cac-doanh-nghiep-155981.html