Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
Sáng 1-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình.
Phiên họp được kết nối từ điểm cầu trụ sở UBND tỉnh đến các điểm cầu cấp huyện. Tham dự phiên họp tại điểm cầu chính có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trần Minh Sơn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Phạm Thị Tố Hải-Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh; đại diện các cơ quan là thành viên BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thành 50,55% kế hoạch
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường-Cơ quan Thường trực BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đến ngày 30-3, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng, sửa chữa 4.289/8.485 nhà, đạt 50,55% kế hoạch. Cụ thể, 186 nhà cho gia đình chính sách, người có công; 829 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; 3.274 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó có 1.126 nhà đã hoàn thành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: P.D
Về kinh phí thực hiện chương trình, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh tiếp nhận 6 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; 201,301/241 tỷ đồng từ chương trình huy động của Trung ương cho tỉnh Gia Lai. Đồng thời, UBND tỉnh đã phân bổ 49,77 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách cấp tỉnh để các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo.
Các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2024 và nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ để triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng thụ hưởng. Một số đơn vị quân đội đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức lực lượng tham gia thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn đóng quân.
Đến nay, thị xã Ayun Pa đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; TP. Pleiku và thị xã An Khê cũng đã cơ bản hoàn thành; một số địa phương như: Krông Pa, Kbang, Kông Chro, Đak Đoa, Phú Thiện… đạt kết quả cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lưu Trung Nghĩa tham gia ý kiến tại phiên họp. Ảnh: P.D
Nếu tính cả số tiền 30 tỷ đồng Bộ Công an sẽ chuyển về cho địa phương như đã cam kết thì tỉnh cần phải huy động thêm 53,235 tỷ đồng nữa để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chương trình.
Về vấn đề này, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Dân tộc và Tôn giáo báo cáo Chính phủ xem xét, thống nhất cho tỉnh không chuyển kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 còn dư (20,226 tỷ đồng) mà để lại cho tỉnh sử dụng xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, xem xét, bổ sung số kinh phí còn thiếu cho tỉnh để thực hiện chương trình.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Nội vụ tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức phát động, kêu gọi vận động và tiếp nhận sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Hầu hết ý kiến của đại diện các địa phương tham gia tại phiên họp đều cho rằng, do thời gian thực hiện gấp rút, việc triển khai xây dựng và sửa chữa đồng loạt nên phát sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhân công, vật liệu xây dựng, kinh phí…
Với tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát chỉ đạt 27,3%, Bí thư Huyện ủy Chư Pưh Nguyễn Huy Châu nêu khó khăn: Trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng thiếu gạch xây dựng và giá một số vật liệu xây dựng (tôn, cát) tăng khoảng 20% làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình. Đề nghị BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và UBND tỉnh sớm có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trên để huyện đảm bảo tiến độ thi công.
Trong khi đó, theo Bí thư Huyện ủy Chư Sê Lý Anh Sang, khó khăn lớn nhất là vấn đề nhân công. Từ khi triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đến nay, huyện chủ yếu sử dụng các tổ thợ tại địa phương. Tuy nhiên, các tổ thợ này không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến tiến độ bị chậm. Đến thời điểm hiện tại, huyện mới đạt 38% kế hoạch. Do đó, huyện đề nghị tỉnh phân công thêm đơn vị quân đội cùng với Viettel Gia Lai hỗ trợ địa phương trong vấn đề này.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG DUNG
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo đề xuất: Tỉnh cần xem xét, kiến nghị Trung ương bổ sung nguồn vốn vay làm nhà cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để người dân sớm tiếp cận, vì nhu cầu vay của người dân rất lớn.
Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và UBND tỉnh cho phép huyện quyết định điều chỉnh, bổ sung số lượng, đối tượng và hình thức làm nhà theo danh sách đã được phê duyệt, huyện chịu trách nhiệm và kinh phí không thay đổi. Sở Tài chính và các đơn vị liên quan có hướng dẫn cụ thể đối với hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán các nguồn kinh phí thực hiện chương trình.
Để phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh tham gia giúp địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát, Đại tá Ksơr Lành-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho rằng: Vì kinh phí, ngân sách triển khai về địa phương không đồng loạt, nhân công của bộ đội chủ yếu là lao động phổ thông, nên các địa phương cần chủ động trong công tác phối hợp. Khi các đơn vị đến khảo sát, địa phương chủ động trao đổi tình hình, các nhóm công việc cụ thể để thống nhất thời gian, quân số.
Đối với một số ý kiến về giá vật liệu tăng cao, Thiếu tướng Rah Lan Lâm đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành rà soát để tránh tình trạng đầu cơ thu lợi bất chính trong việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát. Về phía Công an tỉnh cũng đã giao cho lực lượng nghiệp vụ và Công an các xã, thị trấn khảo sát toàn bộ cơ sở bán vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo kế hoạch, tỉnh còn 90 ngày để hoàn thành chương trình. Do đó, đề nghị các địa phương cùng với BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai các nhiệm vụ. Trong đó, ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đối tượng gia đình chính sách, người có công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và BCĐ cấp huyện được phân công phụ trách địa bàn thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, kiểm tra thực tế, cùng thảo luận để tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao đổi với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, các địa phương để điều chỉnh địa bàn (nếu có); các địa phương trên cơ sở đã điều chỉnh, chủ động làm việc với các đơn vị quân đội để hiệp đồng chặt chẽ.
Đối với Sở Tài chính, hàng tuần đều có báo cáo cụ thể về tình hình phân bổ, giải ngân và thanh quyết toán (nếu có) các nguồn vốn; ngay trong tuần, nghiên cứu và xây dựng 3 bộ hồ sơ thanh quyết toán đối với từng nguồn vốn để thống nhất trong toàn tỉnh, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, tham mưu đề xuất cơ chế ứng vốn, đồng thời hướng dẫn các địa phương về việc tạm ứng vốn để triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất về việc ủy quyền cho trưởng BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh danh sách, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng và tổng hợp danh sách sau điều chỉnh về UBND tỉnh để báo cáo Bộ Dân tộc và Tôn giáo.