Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Mặc dù từ năm 2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BLĐTBXH quy định đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn nhưng đến nay, việc triển khai sâu rộng đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Đào tạo trực tuyến là giải pháp quan trọng phát triển hệ thống giáo dục mở

Giáo dục nghề nghiệp là một trong hai con đường chính để thanh niên tham gia vào thị trường lao động. Trung bình 50% thanh niên châu Âu tham gia giáo dục nghề nghiệp cơ bản (ở cấp trung học phổ thông). Tuy nhiên, sự tham gia đó ở mỗi nước rất khác biệt, tỷ lệ tham gia dao động từ 73% đến dưới 15%. Khoảng một phần ba thanh niên tham gia thị trường lao động ngay sau khi hoàn thành chương trình giáo dục nghề nghiệp trung học phổ thông; 20% khác tiếp tục theo đuổi giáo dục đại học. Tại Việt Nam, hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đã dần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội. Năm 2019, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tiếp tục khởi sắc, đạt 103,5% so với kế hoạch năm với 2.338 nghìn người, trong đó 568 nghìn người vào trung cấp, cao đẳng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt vượt chỉ tiêu đề ra với tín hiệu tích cực thể hiện số lượng tốt nghiệp THCS vào học trung cấp ngày một tăng lên.

Giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang giảng bài bằng hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning. Nguồn: baodansinh.vn.

Giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang giảng bài bằng hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning. Nguồn: baodansinh.vn.

Những năm gần đây, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin nói chung và internet nói riêng đã mang lại những thay đổi đáng kể cho cuộc sống của con người. Tận dụng môi trường internet, xu hướng xây dựng các ứng dụng có khả năng chia sẻ cao, vận hành không phụ thuộc vào vị trí địa lý cũng như hệ điều hành, tạo điều kiện cho mọi người có thể trao đổi, tìm kiếm thông tin, học tập một cách dễ dàng, thuận lợi ngày càng phát triển. E-Learning (đào tạo trực tuyến) là một trong những mô hình điển hình như thế. Đánh giá về hình thức đào tạo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng, đào tạo trực tuyến là giải pháp quan trọng trong phát triển hệ thống giáo dục mở, đào tạo liên tục, gắn công tác giáo dục ban đầu với việc học tập suốt đời. Đào tạo trực tuyến là giải pháp tương lai, với nhiều công nghệ mới, cho phép nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí đào tạo, cho phép việc sử dụng quỹ thời gian của giáo viên, sinh viên một cách linh hoạt, hữu ích…

Dù có nhiều lợi thế như vậy nhưng theo nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, đã có nhiều nghiên cứu về đào tạo trực tuyến ở trong và ngoài nước, và cũng có nhiều cơ sở tổ chức đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu, các cơ sở đào tạo chỉ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo phổ thông và đại học, ít nghiên cứu về đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp đặc biệt là đào tạo nghề cụ thể. Nội dung đào tạo trực tuyến chủ yếu là kiến thức lý thuyết, chưa quan tâm tới việc hình thành và rèn luyện kỹ năng thực hành. Vấn đề đặt ra đối với đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp là tích lũy mô đun, tích lũy tiến chỉ và kỹ năng nghề nghiệp.

Nhận xét về việc đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với việc phải thực hiện giãn cách xã hội đã khiến đào tạo trực tuyến đặc biệt được quan tâm, và những trường quan tâm đào tạo trực tuyến từ trước đến nay đã bắt đầu đạt được thành tích nhưng nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ, chưa thực hiện đào tạo trực tuyến bài bản.

 Đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo cầm tay chỉ việc. Ảnh minh họa. TTXVN.

Đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo cầm tay chỉ việc. Ảnh minh họa. TTXVN.

Những giải pháp đồng bộ, cụ thể

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, hiện nay việc tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26-12-2018 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành quy định đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn và Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13-3-2017 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội về tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

Là một trong những trường tiên phong của hệ thống giáo dục nghề nghiệp chính thức vận hành hệ thống học trực tuyến E-learning vào giảng dạy và quản trị số trong dạy và học, Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đã tiếp cận, phân tích, thử nghiệm nhiều giải pháp về học trực tuyến như sử dụng phần mềm miễn phí có sẵn trên mạng như Zoom, Classroom… Theo thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quản trị số trong dạy và học đã được trường nghiên cứu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quá trình này được nhà trường đẩy nhanh; đảm bảo hệ thống quản lý, quản trị có phân cấp từ hiệu trưởng đến các khoa bộ phận, giáo viên, học sinh. Với hệ thống E-learning mới, nhà trường sẽ đánh giá được việc học, sự tương tác giữa thầy và trò, đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo mật… Bên cạnh đó, cũng sẽ tạo ra không gian mở đào tạo không biên giới, nhất là ngoại ngữ. Hiện trường đang liên kết đào tạo nghề với Australia, Đức nên chỉ cần cấp account cho giảng viên đối tác là có thể tương tác với học sinh, sinh viên nhà trường.

Trong cuộc họp mới đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để triển khai mạnh mẽ đào tạo trực tuyến tại các trường nghề đã thừa nhận còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện hình thức đào tạo này. Để triển khai đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện nay cần làm rõ, cũng như thêm một số hướng dẫn và quy định cụ thể. Do đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo cầm tay chỉ việc, gắn với thực hành, thực tập nên việc thực hiện đào tạo trực tuyến cần được nghiên cứu cẩn thận, mức độ triển khai đến đâu. Bên cạnh thiết bị máy móc, công nghệ và hạ tầng công nghệ thông tin cần có, đào tạo trực tuyến cần nguồn tài nguyên, học liệu chuẩn cho người học. Ngoài ra, còn đòi hỏi trình độ tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, giảng viên cũng như học sinh, sinh viên khi tham gia đào tạo trực tuyến.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong ứng đụng đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh khẳng định, cùng với việc rà soát lại quy định về quản lý đào tạo nói chung và đào tạo từ xa trực tuyến nói riêng, văn bản hướng dẫn kịp thời để các trường nghề triển khai thực hiện đào tạo trực tuyến sẽ sớm được ban hành. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần nỗ lực chủ động xây dựng phương án đầu tư, sử dụng phần mềm triển khai đào tạo trực tuyến trên cơ sở văn bản hướng dẫn, đảm bảo thực hiện đạt chất lượng.

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thao-go-kho-khan-vuong-mac-trong-dao-tao-truc-tuyen-tai-cac-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-614849