Tháo gỡ một số vướng mắc cho ngành Ngân hàng
Ngày 19-7, tại buổi làm việc định kỳ 6 tháng đầu năm 2019 với lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo tháo gỡ một số vướng mắc cho ngành Ngân hàng.
Siết tín dụng đổ vào bất động sản phân khúc cao cấp
Ông Lê Thanh Quang đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm, đồng thời yêu cầu ngành tiếp tục hạn chế nguồn vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) ở phân khúc cao cấp đã bão hòa; mở rộng tín dụng đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc trung bình thấp dành cho những người có nhu cầu thực sự về nhà ở.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, 6 tháng qua, đơn vị đã tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc sử dụng vốn vay đối với lĩnh vực BĐS nhằm kiểm soát rủi ro. NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã yêu cầu các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, xây dựng; kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn, nhóm khách hàng lớn vay vốn đầu tư vào các dự án BĐS có quy mô lớn, phân khúc BĐS cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng; không cấp tín dụng đối với các nhu cầu vay vốn để đầu cơ hoặc triển khai thực hiện các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao; tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân… Đến ngày 30-6, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS trên địa bàn đạt 20.886 tỷ đồng, tăng 13,5%. Dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS chủ yếu tập trung vào cho vay nhà ở, chiếm 63%; cho vay đầu tư nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm 14,42%; nợ xấu lĩnh vực BĐS 0,46%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu cho vay toàn tỉnh.
Gỡ khó cho khách hàng mua nhà ở xã hội HQC
Ngành Ngân hàng cũng đã phối hợp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn mua nhà ở xã hội HQC Nha Trang của Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân. Do Công ty Hoàng Quân chậm tiến độ bàn giao nhà nên một số khách hàng vay vốn của 6 ngân hàng thương mại để mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ quá hạn. Đến ngày 30-6, dư nợ cho vay mua nhà ở xã hội HQC gần 207,6 tỷ đồng, nợ xấu gần 13 tỷ đồng, chiếm 6,26% tổng dư nợ.
NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã phối hợp với UBND TP. Nha Trang, Sở Xây dựng tổ chức 2 buổi làm việc giữa 6 ngân hàng thương mại cho vay với Công ty Hoàng Quân và khách hàng vay mua nhà để thống nhất một số giải pháp hỗ trợ khách hàng. Theo đó, Công ty Hoàng Quân cam kết bàn giao nhà vào ngày 30-9; trả thay khách hàng vay vốn ngân hàng mua nhà 3 khoản tiền gồm: tiền thuê nhà, lãi, lãi phạt do khách hàng không trả nợ đúng hạn và tạm ứng thanh toán nợ gốc do giao nhà chậm tiến độ. Hiện nay, Công ty Hoàng Quân đã chuyển số tiền gần 3,34 tỷ đồng vào tài khoản công ty mở tại 6 ngân hàng cho vay để thực hiện cam kết.
Tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc
6 tháng, ngành Ngân hàng đã triển khai kịp thời các chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trên địa bàn giúp duy trì mức tăng trưởng tín dụng tốt. Đến cuối tháng 6, huy động vốn toàn tỉnh đạt 83.788 tỷ đồng, tăng 7,76% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 86.152 tỷ đồng, tăng 10,67% so với đầu năm. Dư nợ cho vay theo ngành kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh; trong đó, dư nợ cho vay ngành du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm 70,3%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 22,79%; nông - lâm - thủy sản chiếm 6,91% tổng dư nợ. Tín dụng tăng trưởng tốt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, nợ xấu trong ngưỡng an toàn, tỷ lệ nợ xấu 0,65%.
Tại buổi làm việc, ngành Ngân hàng đã kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 và khoanh nợ cho người dân bị thiệt hại do bão số 12 (năm 2017).
Khó khăn hiện nay là nợ xấu các khoản vay đóng tàu theo Nghị định 67 ngày càng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Trên địa bàn tỉnh, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 31 tàu, gồm 28 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp; số tiền cam kết cho vay 292,56 tỷ đồng, tập trung tại Agribank Khánh Hòa và BIDV Khánh Hòa. Đến ngày 30-6, các ngân hàng đã giải ngân 288,3 tỷ đồng; thu nợ gốc 24 tỷ đồng, dư nợ 264,24 tỷ đồng; nợ xấu 103,16 tỷ đồng, cơ cấu nợ 47,66 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, trước đây, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền mua bảo hiểm thân tàu tới 90%, hiện nay giảm xuống chỉ còn 50%. Một số chủ tàu không mua bảo hiểm, tiềm ẩn rủi ro cho tài sản đảm bảo của ngân hàng (95% vốn vay ngân hàng). Để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thu nợ vay đóng tàu theo Nghị định 67, ông Lê Thanh Quang yêu cầu các ngân hàng phối hợp với các ngành liên quan kiểm soát hành trình, hoạt động khai thác, nắm hiệu quả đánh bắt của chủ tàu 67 để có cơ sở thu hồi nợ. Về chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Quang yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quyết định khoanh nợ cho người vay vốn ngân hàng bị thiệt hại do cơn bão số 12. Được biết, UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam khoanh nợ cho 249 khách hàng vay vốn (280 hồ sơ khoanh nợ), với số tiền đề nghị khoanh nợ 68,19 tỷ đồng; thời gian khoanh nợ 2 năm từ tháng 7-2018. Tuy nhiên, đến nay, số hồ sơ khoanh nợ chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong khi nhiều người dân bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 chưa khôi phục được sản xuất, đời sống khó khăn, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Nhiều trường hợp có hồ sơ đề nghị khoanh nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng hiện nay đã hết thời hạn cơ cấu và chuyển nợ quá hạn, bắt đầu chuyển nợ xấu.
Ngoài ra, ông Lê Thanh Quang cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nuôi thủy sản, lưu ý khống chế số lượng lồng bè theo quy hoạch. Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách.
NAM DU