Tháo gỡ nhiều bất cập về đầu tư vốn nhà nước

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định nhiều nội dung về phạm vi đầu tư vốn nhà nước, thẩm quyền đầu tư vốn và các quyết định dự án đầu tư của doanh nghiệp, mức thực hiện phân cấp quyết định trước khi đầu tư… Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, đây là những vấn đề mà rất nhiều tập đoàn, tổng công ty cho biết đang vướng mắc.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Yến

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Yến

Nghiên cứu thống nhất về chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức sáng 16/8 tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 69) ra đời đã xử lý xung đột lợi ích lớn nhất trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, đó là tách bạch quyền sở hữu vốn với quyền quản lý nhà nước; góp phần tạo nên một nền kinh tế với các nguyên tắc thị trường được tôn trọng, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng, minh bạch hơn…

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, Luật hiện hành cũng đã phát sinh nhiều bất cập đã được nêu rõ trong báo cáo tổng kết. Do đó, hội thảo hôm nay rất có ý nghĩa để hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuẩn bị cho việc trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp tới đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung 6 chính sách đã được Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội thông qua, gồm 9 chương và 92 điều.

Trong đó, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đề nghị các đại biểu đặc biệt quan tâm, tham gia góp ý về một số nội dung như Chương 2 về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, trong đó có nội dung về trích lập Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Khen thưởng Phúc lợi… Ở nội dung này, Bộ Tài chính đã đưa ra 3 phương án để các đại biểu cho ý kiến.

Tại Chương 3 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (từ Điều 19 đến Điều 27), các nội dung về phạm vi đầu tư vốn nhà nước, thẩm quyền đầu tư vốn và các quyết định dự án đầu tư của doanh nghiệp, mức thực hiện phân cấp quyết định trước khi đầu tư… Theo Thứ trưởng, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty cho biết đang vướng, khó khăn trong nội dung đầu tư này.

Liên quan đến sắp xếp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, liên quan đến cơ quan, người đại diện sở hữu vốn từ Điều 50 đến Điều 55 và giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá tình hình quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng xin ý kiến các đại biểu để đảm bảo Luật khi ban hành được triển khai hiệu quả, thuận lợi cho các chủ sở hữu, các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương.

Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn

Góp ý cho dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Cảnh Toàn đề nghị xem xét quy định rõ trong dự thảo các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp. Trong đó tập trung: quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, cơ chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với doanh nghiệp, hội đồng thành viên, người đại diện vốn…

Về mô hình quản lý vốn, bà Phạm Thị Thanh Hòa, Học viện Tài chính cho rằng hình thức đại diện chủ sở hữu hiện tại phân tán ở nhiều đầu mối, có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành và tổ chức. Về cơ bản, mô hình như quy định tại Điều 50 của dự thảo vẫn mang dáng dấp chủ quản, quản lý hành chính nhà nước, thiếu tính chuyên nghiệp của một nhà đầu tư.

Do đó, bà Phạm Thị Thanh Hòa đề xuất nên nghiên cứu thống nhất chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp về một đầu mối. Như vậy, phương thức quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được thống nhất. Việc giải quyết các yêu cầu và vướng mắc của doanh nghiệp có thể nhanh chóng và thống nhất hơn so với hiện nay. Điều quan trọng là có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Từ đó có thể dễ dàng xác định và xử lý trách nhiệm của cơ quan chủ sở hữu doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp.

Liên quan đến quy định về phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp có vốn nhà nước, dự thảo đưa ra 3 phương án trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp với các tỷ lệ tối đa là 50%, 80%, 100%. Theo TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm UBTCNS, ở các công ty cổ phần tư nhân, sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và trích lập các quỹ thì các chủ sở hữu, cổ đông được chia cổ tức, tỷ lệ %/vốn góp phụ thuộc và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy nên phương án trích lập tối đa 50% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ Đầu tư phát triển là hợp lý.

Đối với quy định mới về mục đích sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển, đại diện Sở Tài chính Đà Nẵng băn khoăn về quy định cho phép sử dụng quỹ để xử lý đối với các dự án kinh doanh thua lỗ và đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét có quy định cơ chế xử lý riêng đối với dự án thua lỗ. Đồng thời, cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá cụ thể hơn tác động của việc điều chuyển quỹ (đặc biệt của các doanh nghiệp không do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) do thực chất nguồn Quỹ có thể không tương ứng với nguồn tiền sẵn có tại doanh nghiệp để điều chuyển. Do vậy, việc điều chuyển Quỹ sẽ ảnh hưởng đến việc chủ động trong sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền của doanh nghiệp.

Theo kế hoạch dự kiến, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động của doanh nghiệp nhà nước

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý quá trình hoàn thiện luật cần bảo đảm nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản nhà nước; gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn nhà nước.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thao-go-nhieu-bat-cap-ve-dau-tu-von-nha-nuoc-157367.html