Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Trồng rừng thay thế là chủ trương rất đúng nhằm trồng bù lại diện tích rừng bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đảm bảo việc thực hiện mục tiêu về môi trường, tỷ lệ che phủ của rừng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng như góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 (net zero).
Sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, thực hiện quy định về trồng rừng thay thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh giao kế hoạch, nhiệm vụ trồng rừng thay thế cho 40 công trình với 1.925,84 ha, trong đó các chủ đầu tư đã trồng được 1.879,54 ha rừng.
Ngoài việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và văn bản gửi Trung ương đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, chủ rừng rà soát diện tích đất đủ điều kiện trồng rừng thay thế, đăng ký về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện. Trong 2 năm (2022 và 2023), tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư là các ban quản lý rừng phòng hộ trồng 128,09 ha rừng thay thế, trong đó năm 2022 là 70 ha; năm 2023 là 58,09 ha.
“Mặc dù đã được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán nhưng cơ bản chưa triển khai, thực hiện, đến thời điểm hiện tại vẫn tồn gần 50 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quang Vĩnh cho biết.
Nguyên nhân xuất phát từ quy định về trồng rừng thay thế do Trung ương ban hành thiếu tính ổn định, một số chưa phù hợp với thực tế, phải sửa đổi nhiều, gây khó khăn cho triển khai thực hiện (Thông tư số 13/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác ban hành tháng 10/2019 nhưng đến tháng 12/2023 đã điều chỉnh, sửa đổi 2 lần).
Đặc biệt, Thông tư số 25/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế nên không triển khai thực hiện được (quy trình thực hiện việc nộp tiền trồng rừng thay thế rắc rối, phức tạp; việc quản lý, giám sát chi chưa phù hợp với quy định về quản lý ngân sách; trồng rừng thay thế là công trình lâm sinh nhưng yêu cầu phải thực hiện theo quy trình của dự án đầu tư công; không hỗ trợ trồng rừng sản xuất…).
Điều này không chỉ Lào Cai mà tất cả các tỉnh có công trình trồng rừng thay thế đều phải dừng lại để chờ điều chỉnh, sửa đổi Thông tư số 25. Đây là lý do chính dẫn đến các công trình lâm sinh (trồng rừng) của tỉnh trong 2 năm 2022 và 2023 không triển khai thực hiện được.
Bên cạnh đó, hiện nay quỹ đất của tỉnh để trồng rừng thay thế rất khó bố trí, diện tích đất trống còn lại chủ yếu là những khu vực rất xa, giao thông khó khăn, nhỏ lẻ, manh mún, đất cằn, độ dốc lớn… nên việc tìm được quỹ đất đủ điều kiện để trồng rừng là rất khó khăn. Việc giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa hoàn thành nên hiện nay vẫn còn nhiều diện tích đất trống quy hoạch lâm nghiệp chưa được quy chủ; diện tích chồng lấn, tranh chấp còn nhiều.
Theo yêu cầu, trồng rừng thay thế phải bắt buộc thành rừng mới được nghiệm thu hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng (trừ trường hợp bất khả kháng mới được thanh lý), tuy nhiên hiện nay quy định về thanh lý rừng trồng chưa được ban hành (thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đã bị bãi bỏ nhưng chưa có quy định thay thế), gây tâm lý e ngại cho chủ đầu tư được giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế.
Sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt; vẫn có tư tưởng trồng rừng thay thế là nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành nông nghiệp, của lực lượng kiểm lâm, trong khi trồng rừng thay thế nhằm phục vụ việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Do đó, mặc dù UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương cấp huyện rà soát quỹ đất để trồng rừng thay thế, hỗ trợ trồng rừng sản xuất từ nguồn trồng rừng thay thế nhưng đến nay các huyện đăng ký rất ít.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, tỉnh Lào Cai cùng với các tỉnh kiến nghị, đề xuất với Trung ương và được tiếp thu để chỉnh sửa tại Thông tư số 22 ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có hiệu lực từ ngày 15/2/2024), đồng thời tại thông tư sửa đổi đã bổ sung quy định hỗ trợ trồng rừng sản xuất từ nguồn trồng rừng thay thế, do đó các khó khăn, vướng mắc về chính sách cơ bản được giải quyết. Cùng với đó, năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện rà soát đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê, đất chồng chéo, tranh chấp… để thực hiện giao đất có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngay sau khi Thông tư 25 được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện trồng rừng thay thế, trong đó giao các ban quản lý rừng phòng hộ, các tổ chức nhà nước được giao đất lâm nghiệp rà soát diện tích đất được giao để đăng ký nhu cầu đầu tư trồng rừng thay thế.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện rà soát thống kê các hộ, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu được hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây gỗ lớn trên diện tích đất lâm nghiệp được giao để đăng ký trồng rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu đầu tư và hỗ trợ trồng rừng thay thế để trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng đơn giá trồng rừng thay thế mới phù hợp với điều kiện, định mức hiện nay để áp dụng thực hiện. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư (lần 1) cho các đơn vị để thực hiện.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/thao-go-nhung-kho-khan-vuong-mac-post381404.html