Tháo gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng 'siêu dự án' Vành đai 4-Vùng Thủ đô
Với những giải pháp đồng bộ, Hà Nội đang thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô. Trong đó, đặc biệt là những nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô với quy mô đầu tư lên đến 85.813 tỷ đồng, kéo dài 112,8km, đi qua 3 tỉnh, TP.Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đây là dự án quan trọng Quốc gia, được Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm, tạo mọi điều kiện, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về tiến độ thực hiện.
Theo tính toán, TP.Hà Nội sẽ cần tới 741ha đất để thực hiện dự án; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan đến 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Đặc biệt phức tạp là việc di dời hàng vạn ngôi mộ, thành phố đặt mục tiêu đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng sạch cho dự án, hết năm 2023 sẽ bàn giao 100%.
Để công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện thông suốt, TP. Hà Nội đã thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Đối với cấp cơ sở, để thực hiện khối lượng công việc lớn phải hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của TP, các quận, huyện đang tập trung cao độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ người dân trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với địa phương và thủ đô.
Đáng chú ý, nhờ làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân- giải phóng mặt bằng mồ mả- khâu được coi là khó nhất, phức tạp nhất thì đến thời điểm này cũng đã về đích đúng tiến độ đề ra.
Đối với huyện Sóc Sơn, tuyến đường vàng đai 4 đoạn qua địa phận huyện có chiều dài hơn 2,3km, có diện tích đất thu hồi trên 48 ha, với khoảng 500 hộ dân có đất nằm trong diện bị thu hồi, chủ yếu là đất nông nghiệp.
Trong đó có trên 800 ngôi mộ cần phải di dời. Huyện đã triển khai các bước theo đúng quy định, đồng thời tổ chức các cuộc họp, đối thoại với người dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chỉ đạo các xã, thôn có đường vành đai 4 chạy qua triển khai hiệu quả các bước theo quy định, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Hữu Phách - Bí thư chi bộ Thôn Trung, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết:" Sau khi hiểu chủ trương, chính sách nhà nước về chế độ đền bù hợp long dân, chúng tôi tổ chức nhân dân tiến hành họp để nhân dân dồng tình ủng hộ. cơ bản là dân đồng tình ủng hộ về giá cả của nhà nước. dự án cũng làm đúng quy trình của nhà nước vì vây chúng tôi không có khiếu kiện vượt cấp hay kiện lên cấp trên. Đây là khu vực nghĩa trang Mả Ngô, thuộc thôn Trung - xã Thanh Xuân có dự án đi qua, với trên 300 ngôi mộ phải di dời. Trong những ngày này, các gia đình, dòng họ đang tập trung di chuyển những phần mộ của gia đình đến nơi mới để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành Đai".
Còn tại xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn), xã có tổng diện tích đất phải thu hồi trên 39 ha, với 542 ngôi mộ phải di chuyển. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đến nay, xã đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng được 1,7ha, thẩm định 6,6 ha chuẩn bị chi trả tiền đền bù, 80% gia đình đã di chuyển phần mộ của người thân về nghĩa trang mới đảm bảo nhanh gọn. Hiện xã đang đẩy nhanh tiến độ GPMB, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ thành phố giao.
Ông Ngô Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết:" Dự kiến hết tháng 11 âm chúng tôi sẽ chuyển hết phần mộ sang nghĩa trang mới. Đất nông nghiệp thì đã kiểm kê, kiểm đếm và thẩm định lên phương án đền bù với khoảng 15ha. Từ nay đến hết tháng 12/2022, sẽ kiểm kê, kiểm đếm 30ha. Như vậy sẽ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra".
Hay như tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, đến cuối năm 2022 đã tổ chức di dời được 18 ngôi mộ (tại thôn Kim Tiền) nằm trong chỉ giới đường đỏ để GPMB, phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Lê Xuân Trường chia sẻ, sau thời gian tích cực vận động, tuyên truyền, hầu hết Nhân dân trong xã đã đồng thuận và nhận thức vai trò quan trọng, thiết yếu của tuyến đường. Nhờ có sự nhất trí, ủng hộ của người dân, việc di chuyển mồ mả, phục vụ công tác GPMB đã có kết quả rất tích cực.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Ban đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần; phối hợp với Sở TN&MT cùng các địa phương cắm xong 2.000/3.000 mốc chỉ giới, tiến hành bàn giao để GPMB. Dự kiến, công tác cắm mốc giới và bàn giao cho các quận, huyện sẽ hoàn thành trước ngày 15/11. Thời gian phê duyệt phương án cắm mốc của Sở TN&MT đến khi bàn giao cho địa phương sẽ diễn ra trong khoảng 7 ngày.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, còn rất nhiều khó khăn phía trước mà Hà Nội cần đột phá. Đặc biệt trong phạm vi dự án Vành đai 4 có tới hàng vạn ngôi mộ cần di dời. Bởi vậy, TP đã yêu cầu 7 quận, huyện nhanh chóng xây dựng các khu nghĩa trang mới để chuẩn bị vận động người dân di chuyển mồ mả.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, UBND thành phố yêu cầu, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - đoạn thành phố Hà Nội và các dự án phục vụ cho Dự án đường Vành đai 4, UBND các quận, huyện kịp thời tổng hợp vướng mắc phát sinh ngoài cơ chế, chính sách nêu trên, đề xuất UBND thành phố xem xét, đảm bảo yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.