Tháo gỡ 'nút thắt' thuế Mỹ, doanh nghiệp Việt tái khởi động sản xuất
Lo ngại mức thuế cao từ Mỹ từng khiến nhiều doanh nghiệp Việt tạm ngừng sản xuất, mất đơn hàng xuất khẩu. Nay, thông tin mới từ Chính phủ Mỹ về mức thuế đã gỡ 'nút thắt', giúp doanh nghiệp yên tâm tái sản xuất, thị trường lao động cũng dần sôi động trở lại.
Đơn hàng tăng trở lại
Suốt một thời gian dài, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong đó có khu vực Bình Dương cũ (nay thuộc TP.HCM) đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Sự không chắc chắn về chính sách thuế nhập khẩu mới của Mỹ đã tạo ra một rào cản tâm lý lớn, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động sản xuất cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này.
Tình trạng "án binh bất động" không chỉ gây đình trệ sản xuất mà còn khiến các doanh nghiệp Việt mất đi nhiều cơ hội kinh doanh. Các đối tác xuất khẩu sang Mỹ cũng trở nên thận trọng hơn, chưa dám chốt đơn hàng mới khi mức thuế áp dụng cho hàng hóa Việt Nam chưa được xác định rõ ràng.
Với việc Chính phủ Mỹ thông tin về các mức thuế mới là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp có cơ sở để tính toán chi phí, định giá sản phẩm và tự tin tái khởi động sản xuất.
Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, nhận định: Hiện nay, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã có thêm nhiều đối tác liên hệ, ký hợp tác. Đây là tín hiệu đáng mừng để ổn định sản xuất và lấy lại đà tăng trưởng.

Việc doanh nghiệp có thêm đơn hàng giúp người lao động có thêm thu nhập
Ông Tín cũng cho biết thêm: gốm sứ Việt Nam hiện đang cạnh tranh với hàng của Trung Quốc, nhưng với mức thuế thấp hơn sẽ là lợi thế cho hàng Việt.
"Sau khi có mức thuế sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc là 55%, Việt Nam và Mỹ là 20%, trừ ra chuyển giá. Riêng ngành gốm sứ là chênh lệch 35%, mình còn lợi thế, bởi chênh lệch dưới 15% sẽ không còn lợi thế. Bởi, Trung Quốc sử dụng máy móc, năng suất lao động, nguyên vật liệu rẻ hơn Việt Nam, nên hy vọng cuối năm và đầu năm sau đơn hàng sẽ phục hồi", ông Tin nói.
Các doanh nghiệp bắt đầu nhận được đơn hàng trở lại từ các đối tác Mỹ, thậm chí nhiều đơn hàng bị trì hoãn trước đây cũng đã được kích hoạt. Điều này kéo theo nhu cầu về nhân lực tăng vọt. Hàng loạt doanh nghiệp đang triển khai các giải pháp tuyển dụng thêm công nhân. Thị trường lao động vốn trầm lắng nay trở nên sôi động, mang lại cơ hội việc làm cho người lao động.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, phấn khởi cho biết: Việc tìm lao động có tay nghề để tham gia sản xuất ngay không dễ, do đó bên cạnh việc tìm người mới, các doanh nghiệp cũng lo giữ chân lao động.
Bà Trang nhấn mạnh: “Chúng tôi biết người lao động là vốn quý và khó tìm nên dù không có đơn hàng vẫn phải tìm mọi cách để bảo đảm phúc lợi và giữ chân người lao động. Công nhân rời ngành dệt may bởi có nhiều ngành khác cạnh tranh và họ có nhiều chọn lựa hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp may giờ để thu hút lao động thì ngoài lương, phúc lợi phải có cải tạo môi trường làm việc, sản xuất hơn để phù hợp".
Áp lực chia sẻ thuế và nỗi lo hạ tầng
Mặc dù thị trường đã khởi sắc trở lại, tuy nhiên, so với mức thuế trước đây, mức thuế hiện nay Mỹ áp cho Việt Nam vẫn cao hơn. Điều này tạo ra một áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp. Nhiều đối tác khi kích hoạt lại quá trình hợp tác đã yêu cầu doanh nghiệp Việt chia sẻ gánh nặng thuế. Việc này khiến doanh nghiệp không có nhiều lợi nhuận, đây cũng là áp lực rất lớn cho họ trong việc duy trì khả năng cạnh tranh.
Do đó, nhiều doanh nghiệp, thay vì chỉ chờ đợi đối tác ký kết sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, đã chủ động tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường mới tiềm năng khác.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, họ cũng mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ để có thể tìm kiếm được đơn hàng thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại.
Bà Huỳnh Đinh Khánh Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thế giới Bình Dương (WTC), khẳng định: Hiện nay, chúng tôi cũng đã chủ động có những kết nối với các sở, ngành của TP. HCM để tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại. Hy vọng những sự kiện này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội mới, tiếp cận các thị trường mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Bà Huỳnh Đinh Khánh Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thế giới Bình Dương
Bà Linh chia sẻ thêm: “Trung tâm của chúng tôi mong muốn sẽ trở thành một cánh tay nối dài cùng đồng hành với các doanh nghiệp. Mặc dù chỉ mới vài tuần làm việc thôi nhưng Sở Công Thương TP.HCM đã có những chương trình rất cụ thể và đang thảo luận với WTC để đưa các hội nghị, sự kiện, triển lãm trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng làm việc với tất cả các sở, ban, ngành khác để cùng thảo luận những chương trình xúc tiến mới”.
Một trong những nỗi lo thường trực khác của doanh nghiệp là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và chi phí cảng biển cao, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao. Điều này cũng khiến "khó chồng khó" trong bối cảnh lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi thuế. Trước thực tế này, các doanh nghiệp cho rằng, lãnh đạo nên nghiên cứu, sớm hoàn thiện gỡ nút thắt về hạ tầng để giảm bớt gánh nặng, có như vậy họ mới có thêm nguồn lực để tiếp tục kinh doanh và phát triển bền vững.
Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thừa nhận: Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất trong hoạt động phát triển logistics. Điều này dẫn đến quá trình vận chuyển hàng hóa chậm, chi phí logistics cao. Sở Công Thương đang phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, từ đó giảm gánh nặng chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
"Hiện nay, thực sự thì cũng đã có nhiều dự án công trình trọng điểm về giao thông đã và đang triển khai. Trong đó đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, hạ tầng về đường sắt. Bình Dương đã đề xuất các tuyến đường sắt từ Bàu Bàng đi về khu Cái Mép, hoặc từ Bình Dương đi lên khu Thủ Thiêm, từ Thủ Thiêm đi Long Thành. Rất nhiều đề xuất, giải pháp về hạ tầng giao thông", ông Danh thông tin.
Việc Mỹ công bố mức thuế mới đã mở ra cánh cửa phục hồi quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam, mang lại hy vọng về sự ổn định sản xuất và cơ hội việc làm. Dù vẫn còn những thách thức về chi phí và hạ tầng, sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới, cùng với cam kết hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, sẽ là động lực để kinh tế Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu.