Tháo gỡ thẩm quyền ban hành quy định kê khai giá cước vận tải
Còn nhiều vướng mắc về thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn về kê khai giá cước vận tải.
Mới chỉ có quy định niêm yết giá cước
Sáng nay (5/8), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về xây dựng Thông thư thay thế Thông tư liên tịch số 152/2014 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Báo cáo về thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn kê khai, niêm yết giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi, ông Trần bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, trước khi Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định 149/2016 sửa đổi Nghị định 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật giá, việc kê khai và tiếp nhận giá cước được thực hiện theo Nghị định 177 và Thông tư liên tịch 152/2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT.
Theo ông Ngọc, từ khi Nghị định 149 được ban hành điều chỉnh một số nội dung giá dịch vụ thuộc Bộ chuyên ngành thì các Bộ chuyên ngành hướng dẫn, còn giá chung tác động toàn xã hội do Bộ Tài chính hướng dẫn. Sau khi đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 233/2016, sau đó Bộ GTVT đã chỉ đạo các Sở GTVT thực hiện theo Nghị định và Thông tư này.
Cũng theo ông Ngọc, Thông tư 233 quy định cách thức thực hiện kê khai giá đối với cước vận tải tuyến cố định, xe buýt, xe taxi theo hướng dẫn của Bộ GTVT. Tuy nhiên, Nghị định 149 không có nội dung giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT xây dựng Thông tư liên tịch 152. Đây là điểm gây khó khăn cho Bộ GTVT trong quá trình xây dựng. Trong khi đó, Nghị định 10/2020 chỉ giao thẩm quyền cho Bộ GTVT quy định và hướng dẫn niêm yết thông tin trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
“Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về thẩm quyền, ý kiến đồng tình cho rằng, thẩm quyền Bộ GTVT ban hành Thông tư là phù hợp và ý kiến khác cho rằng thẩm quyền ban hành Thông tư này của Bộ GTVT là chưa đủ cơ sở pháp lý”, ông Ngọc cho biết.
Phân tích cụ thể về ý kiến Bộ GTVT ban hành Thông tư là phù hợp và có cơ sở pháp lý, ông Ngọc cho biết, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đồng tình Bộ GTVT ban hành Thông tư hướng dẫn và Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT.
Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ pháp chế cho rằng, trong Thông tư 233 của Bộ Tài chính đã có quy định đầy đủ về kê khai giá tất cả các lĩnh vực và quy định cả thẩm quyền cho Sở GTVT. Như vậy, vấn đề kê khai giá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Việc ban hành kê khai giá theo dự thảo Thông tư mới chưa có cơ sở pháp lý.
Cách nào tháo gỡ?
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao Vụ Pháp chế, Vụ Vận tai, Tổng cục Đường bộ VN thực hiện trình tự rút gọn sửa đổi Thông tư 12/2020, trong đó bổ sung để cụ thể hóa việc niêm yết giá cước vận tải trên phương tiện.
Đối với kê khai giá, Bộ trưởng yêu cầu dự thảo văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT, trong đó đầy đủ các vấn đề, lồng ghép các nội dung mới được quy định trong dự thảo Thông tư đang trình.
Bộ trưởng cũng yêu cầu phải giải thích rõ vì sao phải ban hành hướng dẫn, giải quyết vấn đề gì trong thực tiễn, có điểm khác nào so với Thông tư 233/2016 của Bộ Tài chính. Hướng dẫn phải thể hiện rõ các nội dung tiếp tục thực hiện trong Thông tư liên tịch 152.
“Hướng dẫn về kê khai giá này cần gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để xin ý kiến, trong đó nêu bật những khó khăn trong kê khai giá cước vận tải. Trên cơ sở ý kiến của hai Bộ này xem xét có ban hành được Thông tư hay chỉ dừng ở văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT”, Bộ trưởng yêu cầu.
"Cần phân tích có những quy định nào của ngành giao thông không thực hiện được theo quy định tại Thông tư 233. Chính vì vậy cần có hướng dẫn chuyên sâu của Bộ GTVT và không chồng chéo với Thông tư 233. Tuy yếu về mặt cơ sở pháp lý so với Thông tư nhưng đây là hướng dẫn chính thức của Bộ GTVT thực hiện thống nhất trên toàn quốc", Bộ trưởng nói.