Tháo gỡ vướng mắc, 'cởi trói' tâm lý sợ sai
Các địa phương lo lắng, nếu các vướng mắc hiện nay không kịp thời tháo gỡ, mục tiêu Chương trìnhquốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất khó hoàn thành. Giải pháp nào giải quyết những vấn đề đã được chỉ ra khi quãng thời gian hoàn thành mục tiêu chỉ còn một nửa chặng đường?
Ngày 24/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 38 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành trung ương và địa phương (gọi tắt là Nghị định 38). Nghị định này cùng với một số văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý để triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Hà Ra Diêu, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, một số nội dung của Nghị định 38 và văn bản hướng dẫn trước đó của một số bộ, ngành vẫn chưa thống nhất. Đơn cử như tại Thông tư 15/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Dự án 3 của Chương trình, yêu cầu thực hiện theo Luật Đấu thầu đối với các dự án hỗ trợ sản xuất có vốn trên 100 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị định 38 cho cơ chế thoáng hơn là “không quản lý theo hình thức dự án đầu tư và tài sản hình thành sau đầu tư không là tài sản công”. Hay như Nghị định 38 và các thông tư liên quan đều chưa đề cập đến quy hoạch 3 loại rừng là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Trong khi đó rất nhiều dự án của Chương trình đều liên quan về đất của 3 loại rừng này. Nghị định 38 cũng mới gỡ vướng cơ chế nhưng các định mức cụ thể, phương pháp thực hiện cụ thể cơ chế đó như thế nào thì chưa có cơ quan nào quy định rõ ràng.
Ông Hà Ra Diêu cho rằng, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do Nghị định đã sửa đổi nhưng thông tư vẫn như cũ, rất lúng túng khi áp dụng: “Cơ chế đã được tháo gỡ rồi, rõ ràng, dễ làm nhưng quy trình lập dự án, phê duyệt dự án thực hiện và định mức thì chưa nói đến, rất khó triển khai. Chúng tôi đã có kiến nghị Trung ương, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương đã tiếp thu và có công văn thông báo Trung ương đang điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Thông tư 15.”
Hiện nay, giải pháp tháo gỡ vướng mắc là vấn đề cấp bách đối với các địa phương được thụ hưởng các Chương trình này. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị cần sửa đổi, bổ sung cách làm phù hợp đối với từng Dự án cho sát thực tế hơn: “Về hỗ trợ tiền làm nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đề nghị không áp dụng Luật đầu tư công, không phải lập trình tự thủ tục theo Luật đầu tư công, nên giao thẳng về cho địa phương. Địa phương rà soát theo danh sách hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà ở, cấp tiền thẳng cho họ và có giám sát của địa phương. Bà con huy động thêm ngày công, bỏ thêm tiền để làm nhà. Cần rút ngắn quy trình, thủy tục, nêu hỗ trợ trực tiếp sẽ nhanh hơn, không nên làm theo thủ tục đầu tư công”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Trung ương cần hạn chế ban hành nhiều loại văn bản như hiện nay: “Thật ra văn bản nhiều như vậy cấp tỉnh còn “quáng gà” chứ còn anh em cấp dưới xã trực tiếp thực hiện đọc văn bản còn “mờ mắt”, hình dung không ra được. Các bộ chủ quản nên tích hợp một văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, trở thành một cẩm nang. Sau này nếu có kiểm tra, kiểm toán hay thanh tra thì cũng dễ và hạn chế sai sót”.
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng về ưu tiên nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi, cuối năm 2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
- Cụ thể hóa Nghị quyết này, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1, từ năm 2021 đến năm 2025. Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện trong giai đoạn 1 hơn 137.664 tỷ đồng.
- Chương trình này gồm 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, được triển khai trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Mục tiêu của Chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đặc biệt khó khăn so với bình quân chung của cả nước. Cụ thể đến năm 2025: Mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%.
- Người dân khu vực này xem đây là “quyết định mang tính lịch sử” với nhiều chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, ưu đãi vượt trội và toàn diện.
- Thế nhưng, qua hơn một nửa thời gian thực hiện giai đoạn 1 của Chương trình này, cả nước mới giải ngân hơn 18,5%. Nhiều nơi tiền dành cho đồng bào nghèo “bị nhốt” trong Kho bạc, không thể giải ngân được.
- Chương trình này đã đi qua 2 năm thực hiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, cần tập trung tháo gỡ, cởi trói tâm lý sợ sai.
Năm 2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ dám nghĩ, dám làm thực hiện nhiệm vụ.
Thế nhưng, một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa theo kịp chủ trương này. Vì thế, hiện có nhiều cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ rất sợ “vào lò”. Không phải họ không dám nghĩ dám làm nhưng làm cái gì, họ đều phải thực hiện đúng các quy định pháp luật. Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay, giữa sợ sai và không sợ sai có nhiều quan điểm khác nhau. Về mặt pháp lý, khi triển khai thực hiện áp dụng theo công văn rất dễ gặp rủi ro.
“Nếu đúng quy định thì người cán bộ, công chức chỉ được phép làm những gì được luật pháp cho phép. Anh làm ngoài phạm vi đó là trật. Bây giờ nếu anh làm việc A, B, C thì khi cơ quan Thanh tra, Kiểm tra vào sẽ hỏi, anh làm như thế là căn cứ vào điều, khoản nào? Vấn đề này căn cứ vào đâu? Thậm chí khi làm việc đó có văn bản hướng dẫn nhưng văn bản đó không phải văn bản quy phạm pháp luật thì cũng coi như chưa chuẩn. Vấn đề đó đúng hay sai có thể do các cơ quan đó có những nhận thức khác nhau về vi phạm đó và họ quy kết là sai vì đó không phải là văn bản quy phạm pháp luật”- ông Phiên nói.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án và 55 nội dung thành phần và chịu sự quản lý của 23 bộ, ngành Trung ương. Vì thế, có nhiều văn bản còn chồng chéo, thậm chí "xung đột" với nhau khi hướng dẫn thực hiện. Các địa phương gặp nhiều lúng túng, không biết làm như thế nào cho đúng.
Tuy nhiên, trong “cái khó ló cái khôn”. Một số địa phương từ trong khó khăn, vướng mắc đã biết vận dụng sáng tạo, xây dựng các mô hình hay, cách làm mới hiệu quả. Điển hình như: Mô hình trang trại trồng nho gắn với phát triển du lịch nông thôn, quảng bá sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận. Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách đứng điểm ở địa phương (huyện, xã) và phân công nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc ngay tại địa phương mình.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, đây là Chương trình chăm lo cuộc sống cho đồng bào nghèo miền núi có nhiệm vụ chính trị quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Nhưng không phải địa phương nào cũng quan tâm chương trình này như nhau. Nơi nào quan tâm thì nơi đó việc chạy, đâu đó vẫn còn cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm của mình với đồng bào nghèo. Nếu cố gắng và nêu cao trách nhiệm thì chúng ta cũng có thể làm được, còn nếu cứ đổ thừa do cơ chế, chưa có quy định nên chưa làm được. Tại sao cũng cơ chế đó, có địa phương làm rất tốt? Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, tinh thần chung là phải hết sức nỗ lực để tiếp tục giải quyết những vướng mắc phát sinh, làm sao có thể giải ngân vốn đúng hạn.
“Bây giờ, một số địa phương vẫn nợ chưa phân bổ vốn, vẫn nợ phần chính sách mà địa phương phải ban hành. Cứ nói khó đủ điều nhưng có địa phương khác làm cách đây mấy năm vẫn chạy đều. Tới đây, địa phương nào làm tốt, giải ngân tốt, công trình hiệu quả, tránh lãng phí, phát huy tác dụng sẽ được chi tiền nhiều hơn. Tới đây, tất cả các văn bản sẽ đẩy mạnh tối đa phân cấp cho địa phương. Chính địa phương mới biết mình làm như thế nào mới hiệu quả tốt nhất”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thao-go-vuong-mac-coi-troi-tam-ly-so-sai-post1040920.vov