Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình lưới điện
Năm 2024, tỉnh Bắc Giang được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đầu tư xây dựng nhiều dự án điện phục vụ phát triển KT-XH, đặc biệt là phát triển công nghiệp trên địa bàn. Vì nhiều lý do nên tiến độ thực hiện một số dự án điện trọng điểm bị chậm. Hiện tỉnh cùng các địa phương, ngành chức năng và chủ đầu tư đang tích cực tháo gỡ vướng mắc để các dự án sớm đưa vào khai thác.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và EVN NPC đang thực hiện đầu tư xây dựng 23 dự án điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh như các dự án: Trạm biến áp (TBA) 220 kV Lạng Giang và đường dây đấu nối; TBA 220 kV Yên Dũng và đường dây đấu nối; đường dây và TBA 110 kV Bắc Lũng,... Trong số này có 15 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 5 dự án đang thi công và 3 dự án đã đóng điện.
Tính đến hết tháng 11 năm nay, quá trình triển khai còn 10 dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận chủ trương đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và chấp thuận hướng tuyến mới, làm chậm tiến độ thực hiện. Nguyên nhân chính là do chồng lấn giữa quy hoạch các dự án điện với các đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đó; nhiều hộ dân chưa đồng tình với phương án bồi thường, GPMB.
Năm 2024, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và EVN NPC thực hiện đầu tư xây dựng 23 dự án điện trọng điểm tại tỉnh Bắc Giang, trong đó có 15 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 5 dự án đang thi công và 3 dự án đã đóng điện.
Dự án đường dây và TBA 110 kV Bắc Lũng (Lục Nam) khởi công tháng 6/2022, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý IV/2022. Tuy nhiên đến nay, dự án mới cơ bản hoàn thành phần xây lắp TBA; đúc xong 30 trên tổng số 31 vị trí móng cột điện và lắp dựng được 27 cột. Do chưa bồi thường, GPMB hành lang an toàn lưới điện (đoạn qua địa phận xã Chu Điện và Yên Sơn, cùng huyện Lục Nam) nên đơn vị thi công chưa thể dựng xong số cột điện còn lại và kéo dây toàn tuyến.
Dự án TBA 110 kV Song Khê 2 và nhánh rẽ (TP Bắc Giang) khởi công tháng 7/2024, dự kiến hoàn thành vào quý II/2025. Thế nhưng hiện 7 trên tổng số 10 vị trí cột điện của tuyến nhánh rẽ chồng lấn với bản đồ định hướng phát triển giao thông (QH-06) tại Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì thế việc triển khai bị chậm. Ngày 23/11/2024, UBND tỉnh có văn bản về việc thỏa thuận điều chỉnh hướng tuyến. Hiện Ban Quản lý dự án lưới điện (thuộc EVN NPC) đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng để triển khai thực hiện dự án.
Theo đánh giá của Sở Công Thương và EVN NPC, các dự án lưới điện chậm tiến độ không những gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho phát triển KT-XH địa phương cũng như thu hút đầu tư vào địa bàn.
Tập trung bồi thường, GPMB
Đến năm 2030, Bắc Giang sẽ có 29 khu công nghiệp (KCN), 60 cụm công nghiệp (CCN). Dự báo phụ tải năm 2025 là 1.350 MW; điện thương phẩm 7,298 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân 12,3%/năm. Trước thực trạng lưới điện như hiện nay, việc đầu tư, cải tạo lưới điện để bảo đảm cung cấp điện trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ hết sức cấp bách và khó khăn.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN NPC cho biết, căn cứ tình hình tăng trưởng sử dụng điện trên địa bàn Bắc Giang, năm 2025, đơn vị cần đóng điện 11 dự án, riêng trong quý II/2025 phải đóng điện 5 dự án. Do đó, doanh nghiệp đề nghị tỉnh Bắc Giang có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành Điện bảo đảm cấp điện phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt trong mùa nắng nóng năm 2025.
Trước thực tế các dự án điện trọng điểm chậm và có nguy cơ chậm tiến độ, nhiều dự án chưa được chấp thuận đầu tư, vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, EVN NPC cùng các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, TP để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Theo đó, tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP; các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tập trung cao cho công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, phối hợp GPMB.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã tập trung nhân lực, rà soát các quy hoạch để tham mưu UBND tỉnh và các huyện có dự án đẩy nhanh công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, bồi thường, GPMB. Tính đến ngày 27/12/2024, nhiều dự án như: TBA 220 kV Lạng Giang và đường dây đấu nối; TBA 220 kV Yên Dũng và đường dây đấu nối đã được UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Các dự án còn lại đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư; UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh hướng tuyến để chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định. Ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam thông tin, ngày 27/12 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức đối thoại với 14 hộ gia đình, cá nhân (tại xã Chu Điện và Yên Sơn) thuộc diện thu hồi đất trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện (thuộc dự án đường dây và TBA 110 kV Bắc Lũng).
“Sau khi tuyên truyền, đối thoại giải quyết vướng mắc, các hộ cơ bản đồng thuận với mức bồi thường. Lục Nam phấn đấu đầu tháng 1/2025 hoàn thành thủ tục bồi thường, hỗ trợ cho các hộ và thực hiện các bước bàn giao đất cho chủ đầu tư”- ông Ơn cho hay.
Ông Đặng Văn Nhương, Giám đốc Ban Điều hành dự án điện 4, Ban Quản lý dự án lưới điện (thuộc EVN NPC), đại diện chủ đầu tư dự án TBA 110 kV Song Khê 2 và nhánh rẽ cho biết, ngay sau khi nhận văn bản của UBND tỉnh Bắc Giang đồng ý điều chỉnh hướng tuyến đường dây 110 kV của dự án, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra phương án bồi thường nhanh nhất để có mặt bằng sạch đến đâu tổ chức thi công ngay đến đó.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện trên địa bàn tỉnh, ngày 26/12 vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc; tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương và các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, TP, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn bám sát thực hiện theo nội dung Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 28/11/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai công tác đầu tư các dự án điện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận; rà soát, khắc phục chồng lấn giữa quy hoạch lưới điện và các đồ án quy hoạch khác đã được phê duyệt. Việc tổ chức thực hiện phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các dự án điện trọng điểm triển khai đúng kế hoạch, phục vụ phát triển KT-XH địa phương.
Bài, ảnh: Thế Đại