Tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp đón cơ hội vàng từ CPTPP

Nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định CPTPP mang lại, ngày 9/7, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức 'Hội nghị tập huấn chuyên sâu về cam kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)'.

Tại hội nghị tập huấn, đánh giá về hiệu quả mà CPTPP mang lại trong thời gian qua, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị; thủy sản và dệt may. Đáng lưu ý, một số thị trường thành viên mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%; xuất khẩu sang Mexico tăng 27,6%.

 Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù hiệp định đã đi vào thực tiễn nhưng trong suốt 1 năm vừa qua, thông tin về Hiệp định CPTPP ít được doanh nghiệp lưu ý. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước chỉ có chưa đến 40 tỉnh, thành phố có quan hệ xuất nhập khẩu với các nước trong CPTPP. Nếu tính những tỉnh, thành phố có quan hệ xuất nhập khẩu với 2 nước chưa có quan hệ FTA như Canada và Mexico thì con số chỉ từ 10-15 tỉnh, thành phố và thị phần xuất khẩu rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, theo thống kê của Bộ Công Thương, trên toàn quốc có khoảng 570 hội thảo, hội nghị về CPTPP được tổ chức. Theo ông Khanh, đây là một con số khổng lồ vì trung bình 1 ngày có 2 hội nghị liên quan đến hiệp định này nhưng theo rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 1-2% doanh nghiệp tìm hiểu kĩ về CPTPP.

Do đó, theo Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh, chính việc thờ ơ của doanh nghiệp khiến CPTPP dù mở ra cơ hội rất lớn cho đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được hết những dư địa đó.

Lý giải cho vấn đề này, ông Khanh cho rằng một trong những lý do là doanh nghiệp thiếu kiến thức về các cam kết của hiệp định. Điều này là hạn chế ở cả cơ quan tuyên truyền và doanh nghiệp. Hầu hết các hội nghị phổ biến về CPTPP còn chung chung, doanh nghiệp không có được những thông tin họ mong muốn về một số thị trường cụ thể, ví dụ như muốn xuất khẩu sang Canada thì phải làm gì, có thể kết nối với ai, chú ý những quy định gì… Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền còn nghèo nàn, sự tương tác giữa chuyên gia, những người làm công tác xúc tiến với doanh nghiệp còn chưa sâu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Do vậy, nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận một cách hiệu quả Hiệp định CPTPP, Vụ Chính sách thương mại và đa biên cũng như Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị tập huấn chuyên sâu về cam kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, một trong chuỗi hoạt động nhằm phổ biến, tuyên truyền về các cam kết của Hiệp định CPTPP cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Hội nghị bao gồm hai phiên. Phiên đầu tiên vào ngày 09/7 tập trung vào các nội dung liên quan đến tổng quan thuế xuất nhập khẩu, hướng dẫn thực hành tra cứu và thực thi cam kết thuế xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, cam kết hải quan để được áp dụng thuế ưu đãi của Hiệp định CPTPP. Tại phiên thảo luận, với sự tham gia hướng dẫn của các cán bộ phụ trách trực tiếp, Hội nghị đã giúp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua việc giải đáp những tình huống thực tế mà một số doanh nghiệp hiện đang gặp phải khi đang có nhu cầu tìm hiểu và xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP.

Phiên thứ hai vào ngày 10/7/2020 tập trung giới thiệu các nội dung liên quan đến dịch vụ - đầu tư, trong đó tập trung vào các nghĩa vụ, nguyên tắc cơ bản về mở cửa cửa thị trường, xỏa bỏ rào cản đối với dịch vụ - đầu tư, cam kết liên quan tới khuyến khích và bảo hộ đầu tư, và hướng dẫn cấu trúc, cách đọc hiểu và tra cứu cam kết dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định CPTPP. Tham gia phiên thảo luận có sự hiện diện của các cán bộ quản lý trực tiếp lĩnh vực dịch vụ - đầu tư của Bộ Công Thương, và cán bộ đã có kinh nghiệm tham gia giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế của Bộ Tư Pháp.

Ông Khanh nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định CPTPP mang lại, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực và hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của địa phương.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-quan-ly/thao-go-vuong-mac-de-doanh-nghiep-don-co-hoi-vang-tu-cptpp-8387.html