Tháo gỡ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người dân và góp phần hiện đại hóa bộ mặt đô thị, từ nhiều năm nay, TP Hà Nội đã cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện rất chậm do vướng mắc về cơ chế, chính sách, trong đó có quy định chủ đầu tư tự thỏa thuận với chủ sở hữu căn hộ trong quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Chung cư ba tầng số 22 phố Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Ðình (Hà Nội) là khu tập thể của Viện Tư liệu phim Việt Nam, được xây dựng gần 30 năm trước. Người dân sinh sống tại đây cho biết, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động, tòa nhà đã bộc lộ nhiều hạn chế về thiết kế như diện tích căn hộ nhỏ hẹp, thiếu công trình phụ, cốt nền thấp hơn gần 1 m so với mặt đường gây ngập úng thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của các hộ dân. Trong quá trình sử dụng, tòa nhà không được bảo trì, bảo dưỡng, các hộ dân tự ý lấn chiếm, cơi nới thêm diện tích, thay đổi công năng sử dụng căn hộ, dẫn đến tòa nhà bị hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng. Các vết nứt lớn xuất hiện nhiều nơi trong tòa nhà, có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Vì thế, người dân rất ủng hộ chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ông Vũ Ðình Thấn, cư dân gắn bó với tòa nhà từ những ngày đầu tiên chia sẻ, từ năm 2013, phần lớn người dân đã ủng hộ, hợp tác với chủ đầu tư triển khai dự án; thống nhất về phương án đền bù, chính sách bố trí tạm cư, tái định cư. Ngay khi UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, phần lớn hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ di dời, tiền tạm cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau thời gian dài tạm cư, đến nay dự án chưa thể triển khai tiếp, chưa biết đến khi nào mới được về nhà mới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân là do còn bảy hộ dân không có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà muốn bán lại căn hộ hiện tại cho chủ đầu tư để nhận tiền mặt. Tuy nhiên, mức giá mà họ đưa ra không dựa trên mặt bằng giá bất động sản trong khu vực, vượt quá nhiều lần giá trị căn hộ. Có chủ căn hộ tầng 1 diện tích sổ đỏ 58 m2 đòi bán lại với giá 15 tỷ đồng. Mức giá quá cao không chỉ khiến chủ đầu tư chùn bước, mà bản thân những người đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cũng bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là những đòi hỏi vô lý, cố tình gây khó khăn, cản trở dự án, mặc dù mức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư áp dụng tại đây khá cao. Cụ thể, các hộ dân tầng một được bố trí tái định cư gấp 2,6 lần diện tích sổ đỏ căn hộ cũ, các hộ dân tầng 2 và 3 gấp 2,5 lần; diện tích ngoài sổ đỏ được bồi thường 30% so với diện tích trong sổ đỏ. Các hộ dân còn được chủ đầu tư hỗ trợ kinh phí bảo trì trị giá 2% giá trị căn hộ, nếu người dân có nhu cầu mua thêm diện tích căn hộ chỉ phải trả 50% giá trị. Ðặc biệt, các hộ dân còn được quyền lựa chọn vị trí căn hộ, biết trước phương án thiết kế, diện tích... Nhưng cho đến nay bảy hộ dân còn lại và chủ đầu tư vẫn chưa thể đi đến thống nhất. Ðại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Ðình khẳng định, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án 22 Liễu Giai vượt trội so với những dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn quận đã thực hiện trong những năm qua và rất có lợi cho người dân. Một số ít hộ dân đưa ra các đòi hỏi vô lý đã ảnh hưởng đến chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hỏng, xuống cấp, cải thiện chỗ ở cho người dân của thành phố, quận và nhất là những người dân đã bàn giao mặt bằng. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Ðình Lê Trí Dũng cho biết, đơn vị đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật tại dự án, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và trao đổi, giải thích các kiến nghị của người dân. Vướng mắc lớn nhất tại dự án liên quan Khoản 1, Ðiều 14 Nghị định số 101/2015/NÐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ tự thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong khi chưa có khung quy định giữa hai bên, dẫn đến chủ đầu tư phụ thuộc quá nhiều vào người dân. Trước mắt, đơn vị đề nghị chủ đầu tư mời cơ quan kiểm định đánh giá chất lượng công trình, tùy thuộc vào kết quả đánh giá của đơn vị chuyên môn mà có hướng giải quyết phù hợp. Còn bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư, kinh doanh bất động sản Việt Úc, chủ đầu tư dự án cho biết, sẽ tiếp tục trao đổi, thỏa thuận với người dân; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng thành phố xem xét, tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 1.580 chung cư cũ, trong đó phần lớn xuống cấp, hư hỏng nặng, nhưng mới có một số chung cư cũ (Kim Liên, Giảng Võ...) được cải tạo, xây dựng lại. Thành phố đang triển khai lập quy hoạch cải tạo 28 chung cư cũ và đã có 16 nhà đầu tư đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với khu chung cư cũ. Ðể đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, vừa bảo đảm hài hòa quyền lợi của người dân, Nhà nước, vừa khuyến khích thu hút các chủ đầu tư, tránh tình trạng người dân đưa ra các đòi hỏi quá đáng, ảnh hưởng tiến độ dự án.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/tin-chung/item/42209802-thao-go-vuong-mac-trong-cai-tao-chung-cu-cu.html