Tháo gỡ vướng mắc trong điều kiện vay vốn
Để hoạt động hỗ trợ tín dụng đối với khách hàng, doanh nghiệp (DN) trong các lĩnh vực ưu tiên phát huy hiệu quả cao hơn, cần có thêm nhiều chương trình, phương án kết nối giữa các tổ chức tín dụng với DN, HTX, nông dân…, nhất là trong bối cảnh nhiều đơn vị, DN, HTX gặp khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình thời tiết bất thường, thiên tai… trong thời gian gần đây.
* Mong muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Hiện nay, nhiều đối tượng khách hàng, DN nằm trong các lĩnh vực ưu tiên mong muốn được vay vốn ưu đãi để mở rộng mặt bằng sản xuất, phát triển kinh doanh nhưng vẫn không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này bởi những ràng buộc về mặt thủ tục, các thỏa thuận, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với DN.
Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai chia sẻ, nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về nguồn vốn, mặt bằng sản xuất. Trong đó, nhiều DN mong muốn tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, công nghệ đáp ứng được các đơn hàng của đối tác, nhất là các khách hàng, đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn vay của các DN vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn do thiếu tài sản thế chấp. Để DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cần có chính sách, chương trình phù hợp để vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh của ngân hàng vừa giúp các DN tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn dành cho sản xuất.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) bày tỏ, do nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng kho lạnh để bảo quản các loại nông sản, HTX mong muốn tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, nhất là nguồn vốn trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Hiện HTX vẫn đang vay vốn với lãi suất thông thường vào khoảng 11%/năm.
* Ngân hàng cần chủ động
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến các khách hàng, DN khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi là do nhiều khách hàng chưa mạnh dạn đến ngân hàng đề xuất nhu cầu vay vốn của mình; nhiều DN có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, đặc biệt là thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi, trong khi đây lại là những yếu tố tiên quyết để có thể đáp ứng điều kiện được ngân hàng chấp thuận cho vay.
Trong khi đó, hoạt động cho vay của nhiều ngân hàng còn có phần cứng nhắc, chưa linh hoạt, quá trình thẩm định vay vốn kéo dài, còn nhiều tiêu chí khắt khe, chưa tháo gỡ được những khó khăn của người vay vốn trong điều kiện thực tế. Để hạn chế rủi ro, nhiều ngân hàng thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa thực sự chú trọng việc thẩm định dựa trên hiệu quả từ phương án kinh doanh.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.Biên Hòa chia sẻ, trên thực tế, ngân hàng phải cân đối giữa nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay cũng như đảm bảo tăng trưởng về lợi nhuận, nên việc cho vay với lãi suất ưu đãi được thẩm định kỹ qua nhiều khâu. Do đó, để tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, DN cần đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe, số lượng DN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp cũng còn hạn chế.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho hay, trong những tháng vừa qua, các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã tiến hành cập nhật, điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN Việt Nam để hỗ trợ các khách hàng, DN.
Từ đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều gói, sản phẩm cho vay ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động tiết kiệm chi phí hoạt động để chia sẻ khó khăn chung với khách hàng; điều chỉnh kế hoạch tài chính phù hợp với diễn biến hoạt động, cũng như tình hình dịch bệnh trong những tháng cuối năm.