Tháo gỡ vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Sáng nay (6/11), Quốc hội họp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường với các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được đánh giá là đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tại phiên làm việc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Trong đó, với tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng phức tạp, nhiều Đại biểu Quốc hội đã yêu cầu tăng cường hoạt động phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Nghị quyết có nhiều nội dung tiến bộ, hướng dẫn cụ thể công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; có tác dụng tháo gỡ được những khó khăn trong thực tiễn, được các chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao.
Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Các Tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương nghiên cứu hồ sơ nên hầu hết các vụ án xâm hại trẻ em đều được đưa ra xét xử nghiêm minh, trong thời hạn luật định.
Mức hình phạt mà các Tòa án đã tuyên phạt bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Cũng về riêng nội dung này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định mới của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự trong giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em. Cụ thể như: Chủ trì phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Bên cạnh đó, tham gia góp ý xây dựng các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em quy định trong Bộ luật hình sự, như: Nghị quyết số 02 ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng các Điều 150, 151 Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số 06 ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi.
Đặc biệt, đã ban hành Hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em; "Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi" để thực hiện trong toàn ngành. Tổ chức nhiều lớp tập huấn về "Phòng, chống bạo lực gia đình" và "Phòng, chống bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em" cho cán bộ trong ngành.
Viện trưởng VKSND tối cao cho biết thêm, dự kiến cuối năm 2020 sẽ ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.