Tháo gỡ vướng mắc trong phát triển đảng viên là học sinh
Ngày 28-9, Đảng bộ Trường THPT Chu Văn An tổ chức Hội nghị chuyên đề 'Tăng cường công tác phát triển đảng viên là học sinh trong trường THPT'. Đây là đơn vị đầu tiên trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề phát triển đảng viên là học sinh THPT.
Hoàn thành 200% chỉ tiêu được giao về kết nạp đảng viên là học sinh
Theo đồng chí Trần Thị Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện công tác kết nạp đảng viên là học sinh THPT tại Đảng bộ nhà trường.
Từ năm 2022 đến nay, trên cơ sở phát hiện các quần chúng tích cực, Đảng ủy Trường THPT Chu Văn An đã xét công nhận cảm tình đảng cho 21 học sinh lớp 11, 12 và giới thiệu đi học tại 4 lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng do Trung tâm Chính trị quận tổ chức, trong đó có 6 học sinh khóa 113 đã tốt nghiệp THPT năm 2023 và 15 học sinh hiện nay đang học lớp 12 (khóa 114) tại nhà trường.
Đến nay, Đảng bộ Trường THPT Chu Văn An đã kết nạp vào Đảng được 4 đảng viên là học sinh (đạt 200% chỉ tiêu được giao),sinh hoạt tại Chi bộ 1 và Chi bộ 2. Đây là những học sinh tiêu biểu, nổi bật trong các phong trào thi đua học tập và rèn luyện của nhà trường, là tấm gương để học sinh toàn trường noi theo. Đến tháng 9-2023, 4 đảng viên đều đã hoàn tất thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức tới đảng bộ các trường đại học. Hiện nay, Đảng bộ Trường THPT Chu văn An có 3 chi bộ trực thuộc với 73 đảng viên (chiếm 58,4% số cán bộ, giáo viên trong biên chế của nhà trường).
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường THPT Chu Văn An lần thứ III đã xác định chỉ tiêu phấn đấu kết nạp đảng viên toàn nhiệm kỳ 2020-2025 là 25 đồng chí. Đến tháng 9-2023, Đảng bộ trường đã kết nạp được 15 đảng viên, hoàn thành 60% chỉ tiêu. Từ thực tiễn năm 2023 khi kết nạp vào Đảng được 4/6 đối tượng cảm tình đảng là học sinh, Đảng bộ Trường THPT Chu Văn An quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên của nhiệm kỳ 2020-2025 ngay trong năm 2024, đồng thời hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kết nạp đảng viên là học sinh trong các năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kết nạp đảng viên là học sinh tại Trường THPT Chu Văn An vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Số lượng kết nạp đảng viên là học sinh còn chưa thật sự tương xứng với nguồn lực và tiềm năng của Đảng bộ nhà trường. Đặc biệt, số lượng học sinh của nhà trường luôn ở mức trên 2.000 em. Học sinh của nhà trường đều là con ngoan, trò giỏi, thành thạo ngoại ngữ, có kỹ năng công nghệ thông tin và kỹ năng sống tốt. Đây là nguồn lực ưu tú cần được theo dõi, bồi dưỡng, phát triển cho Đảng.
Phấn đấu là đơn vị tiêu biểu trong kết nạp đảng viên là học sinh
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức tiếp nhận nhiều ý kiến trao đổi nhằm nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên là học sinh, từ đại diện các chi bộ, tổ chức đoàn, đại diện Ban Cha mẹ học sinh, đối tượng cảm tình đảng, đảng viên học sinh được kết nạp tại nhà trường.
Theo đồng chí Phùng Thúy Oanh, chuyên viên Phòng Cơ sở đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội,sau khi Đề án 20 được ban hành, đến nay toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội đã kết nạp được 86 đảng viên là học sinh THPT tại 19 đảng bộ quận, huyện, thị xã, trong đó Đảng bộ quận Tây Hồ đã kết nạp được 4 đảng viên là học sinh của THPT Chu Văn An.
Với những tâm tư, vướng mắc liên quan đến độ tuổi kết nạp, đồng chí Phùng Thúy Oanh đề nghị Đảng ủy nhà trường cần xác định việc kết nạp đảng viên là kết nạp cho toàn Đảng chứ không dừng lại ở việc kết nạp đảng viên cho Đảng bộ nhà trường. Do đó, Đảng ủy Trường THPT Chu Văn An tiếp tục nghiên cứu, mở rộng nguồn kết nạp, có thể phân chia nhóm đối tượng xét cảm tỉnh đảng thành 3 nhóm: đối tượng được kết nạp tại trường, trước khi tốt nghiệp THPT; đối tượng chuyển tiếp nguồn kết nạp về các trường đại học; đối tượng chuyển tiếp nguồn kết nạp về nơi cư trú. Đối tượng kết nạp trong trường sẽ sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 7 (thay vì quan điểm từ tháng 1 đến tháng 5 như trước đây). Nhóm đối tượng sinh sau tháng 7, Đảng ủy nhà trường cần chủ động hoàn thiện các thủ tục chuyển các em về nơi cư trú và trường đại học để tiếp tục theo dõi, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.
Đồng chí Phùng Thúy Oanh cũng nhấn mạnh, Đảng bộ Trường THPT Chu Văn An là đơn vị đầu tiên trong toàn Đảng bộ thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển đảng viên là học sinh THPT. Điều này thể hiện quyết tâm, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn Đảng bộ quận Tây Hồ cũng như Đảng bộ Trường THPT Chu Văn An đối với công tác phát triển đảng viên là học sinh.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Lan Hương, UV BTV, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Tây Hồ nhấn mạnh, hằng năm, BTV Quận ủy có giao chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác phát triển đảng viên cho từng đảng bộ, chi bộ trực thuộc, đảm bảo đồng bộ về cả số lượng lẫn chất lượng. Mặc dù các cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhưng công tác phát triển đảng viên hiện nay vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đặc biệt trong bối cảnh đảng viên của Hà Nội đang có xu hướng già hóa. Chính vì vậy, Thành ủy Hà Nội đã kịp thời ban hành Đề án 20 về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên của toàn Đảng bộ thành phố trong giai đoạn mới, trong đó đặt ra 2 chỉ tiêu đáng chú ý là tỷ lệ đảng viên mới hằng năm đạt 3-4% so với tổng số đảng viên hiện có. Đến năm 2025, mỗi năm kết nạp được 200 đảng viên là học sinh; giai đoạn 2025-2030 mỗi năm kết nạp được 300 đảng viên là học sinh. Đây là những con số nhằm bảo đảm cho sự phát triển của tổ chức đảng, cũng như khắc phục được thực trạng già hóa trong đội ngũ đảng viên tại Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Theo đồng chí Trần Lan Hương, hiện nay, việc phát triển đảng trong học sinh THPT còn có nhiều ý kiến khác nhau và gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần có sự quyết tâm thực hiện thì mới đạt kết quả tốt.
Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Tây Hồ nhấn mạnh, cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức về công tác phát triển đảng viên là học sinh. Theo đó, khắc phục tư tưởng tuổi 18 còn quá trẻ, nhận thức chính trị chưa đủ vững vàng, lý tưởng chưa rõ ràng để kết nạp vào Đảng. Nhìn nhận thực tiễn cách mạng của Việt Nam, nhiều đảng viên được kết nạp trong độ tuổi 18, tuy nhiên đến nay các đồng chí vẫn rất trung kiên với Đảng, trên các cương vị công tác, vẫn phát huy vai trò, năng lực, sự gương mẫu của người đảng viên.
Theo đồng chí Trần Lan Hương, trong thời gian tới, khi rà soát, Đảng ủy nhà trường cần mở rộng đối tượng, miễn các em học sinh có đủ điều kiện, có nguyện vọng thì có thể đưa vào diện cảm tình đảng để đưa đi bồi dưỡng. Tới đây, sẽ có lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng riêng cho nhóm đối tượng là học sinh THPT.
Theo đó, để làm tốt công tác phát triển đảng viên là học sinh, đồng chí Trần Lan Hương yêu cầu, Đảng ủy nhà trường cần tiếp tục giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, giáo viên, phụ huynh học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên là học sinh, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ thống nhất trong công tác phát triển đảng viên, đặc biệt đến từ phụ huynh học sinh. Tổ chức tốt các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng. Nghiên cứu tổ chức các hoạt động để học sinh tìm hiểu, xây dựng nhận thức về Đảng, từ đó có sự tự hào, yêu quý, động lực phần đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Làm tốt công tác rà soát nguồn, tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên. Tạo điều kiện để các em học sinh tham gia hoạt động, phong trào thi đua của nhà trường, của Đoàn Thanh niên, của ngành Giáo dục, nhằm giúp các em học sinh khẳng định được mình, nâng cao bản lĩnh chính trị. Phân công trách nhiệm rõ ràng trong từng chi bộ, đặc biệt là các đồng chí đảng viên là giáo viên chủ nhiệm, Đoàn Thanh niên, từng đồng chí đảng ủy viên trong công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên là học sinh nói riêng. Xây dựng quy trình, cơ chế phối hợp nhuần nhuyễn giữa Đảng ủy với phụ huynh học sinh; giữa BCH Đoàn trường với giáo viên chủ nhiệm và chi bộ trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Đảng ủy nhà trường cũng cần quan tâm đến vấn đề hoàn hiện thủ tục chuyển sinh hoạt đảng cho các đảng viên là học sinh, hướng dẫn học sinh về các quy định liên quan đến chuyển sinh hoạt đảng.
Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Tây Hồ nhấn mạnh đây là Hội nghị chuyên đề điểm về công tác phát triển đảng viên là học sinh trên địa bàn quận Tây Hồ để các đảng bộ trường THPT học tập kinh nghiệm. Đồng chí Trần Lan Hương mong muốn, với bề dày thành tích, truyền thống lịch sử đáng tự hào, Đảng bộ nhà trường cần quyết tâm triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, trong đó có vấn đề phát triển đảng viên là học sinh. Đồng chí mong muốn Đảng bộ nhà trường phải là đơn vị tiêu biểu của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong việc phát triển đảng viên là học sinh.
Kết thúc Hội nghị, Đảng bộ Trường THPT Chu Văn An cũng đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác phát triển đảng viên là học sinh trong trường THPT và sẽ tổ chức quán triệt đến toàn bộ đảng viên, cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
Đồng chí Vũ Văn Thăng, Phó Bí thư Chi bộ 1: Thành lập CLB những đoàn viên, thanh niên có khát vọng, hoài bão trở thành đảng viên
Đoàn Thanh niên cần có người phụ trách công tác phát triển đảng viên trong học sinh. Sau khi có đội ngũ học sinh đã tham gia học lớp cảm tình đảng, Đoàn trường nên thành lập câu lạc bộ của những thanh niên, đoàn viên có khát vọng, hoài bão tìm hiểu, trở thành một người đảng viên. Cần giúp học sinh nhận thức về khát vọng cống hiến này rất đáng trân trọng. Môi trường Đoàn Thanh niên phải là môi trường giúp đỡ, tạo điều kiện để giúp học sinh có nhận thức đúng đắn, có bản lĩnh chính trị vững vàng để trở thành một đảng viên cộng sản. Đảng ủy nhà trường phải bố trí ít nhất mỗi kỳ học có một lần sinh hoạt chính trị với các học sinh trong diện cảm tình đảng và các đoàn viên, thanh niên có yêu thích chính trị nhằm tạo không gian thực tiễn giúp học sinh xây dựng nhận thức, bản lĩnh chính trị để trở thành người đảng viên.
Đồng chí Nguyễn Lê Hồng Nhung, Bí thư Đoàn trường: Giải pháp phát hiện bồi dưỡng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng
Đoàn Thanh niên sẽ tập trung công tác bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho các đoàn viên ưu tú. Trong đó có việc tập trung công tác giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật cho học sinh nhà trường từ đầu năm học. Phát hiện bồi dưỡng quần chúng ưu tú từ lớp 10, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện để đến lớp 12 các em đủ tiêu chuẩn để được giới thiệu kết nạp vào Đảng. Xây dựng chương trình rèn luyện đoàn viên, tạo động cơ, mục đích phấn đấu vào Đảng. Chủ động báo cáo xin ý kiến Đảng ủy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đoàn viên ưu tú được giới thiệu kết nạp vào Đảng. Giao nhiệm vụ cho các cán bộ, giáo viên trẻ là đảng viên trong các chi trong việc hướng dẫn đoàn viên, thanh niên thuộc diện cảm tình đảng…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Kiên, đại diện Ban Cha mẹ học sinh: Công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường là rất quan trọng
Một trong những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên là học sinh là phải có sự đồng thuận, định hướng từ phía gia đình. Một trong những nguyên nhân của việc phát triển đảng viên là học sinh THPT còn thấp do nhiều học sinh chưa thật sự có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, cũng như phụ thuộc vào định hướng của phụ huynh học sinh vào những ngành nghề mình theo học. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong đó có các cấp ủy đảng, Đoàn Thanh niên, Ban Cha mẹ học sinh trong phát hiện, bồi dưỡng kết nạp học sinh vào Đảng là rất quan trọng, đặc biệt là công tác phối hợp truyền thông, tuyên truyền lan tỏa đến các bậc phụ huynh ủng hộ các con phấn đấu theo lý tưởng của Đảng.
Đồng chí Trịnh Thị Hương, Phó Bí thư Chi bộ 2: Tạo sân chơi để các học sinh được thể hiện mình
Do là năm đầu tiên triển khai việc thực hiện kết nạp đảng viên là học sinh nên Đảng bộ nhà trường có sự giới hạn về độ tuổi để đảm bảo các em sẽ được kết nạp tại trường, trước khi kết thúc năm học. Theo đó, nhiều em học sinh rất xuất sắc, có bản lĩnh, nguyện vọng phấn đấu nhưng do điều kiện về tuổi nên chưa được xét cảm tỉnh đảng. Đây là sự thiệt thòi mà trong thời gian qua Đảng ủy nhà trường cũng đã tìm cách khắc phục để mở rộng hơn nữa các đối tượng được xét cảm tình đảng. Ngoài ra, vì là nhóm đối tượng học sinh nên đôi lúc các đảng viên trong chi bộ lại chưa biết rõ đối tượng được kết nạp để nhận xét, đánh giá, do đó, Đảng ủy trường cũng cần tạo sân chơi, môi trường để các em học sinh tham gia, cống hiến, thể hiện mình cũng như tạo điều kiện để các em được biết đến nhiều hơn.
Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 12D3: Giải pháp nâng cao nhận thức chính trị của đoàn viên, thanh niên
Bản lĩnh chính trị của đoàn viên thanh niên được hình thành từ nền tảng giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành của mỗi cá nhân trong thực tiễn. Tuyên truyền giáo dục nâng cao tư tưởng, quan điểm, lối sống văn hóa trong thanh niên để bắt kịp với sự phát triển của xã hội là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó tổ chức Đoàn Thanh niên chính là nòng cốt. Thông qua các phong trào hành động cách mạng sẽ giúp các đoàn viên thanh niên học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân để trở thành những đoàn viên ưu tú sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cần nâng cao vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên trong công tác phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú cho Đảng.