Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 16/8, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc đầu tư vốn của nhà nước vào sản xuất kinh doanh cũng như việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu đặt ra của quá trình đổi mới hội nhập cũng như quá trình cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước trong những năm vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân

Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện, vấn đề quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đã có rất nhiều sự thay đổi, nhiều nội dung của Luật đã bộc lộ điểm bất cập, hạn chế.

Chẳng hạn như chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp; chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Luật cũng chưa quy định đầy đủ các nội dung về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các vấn đề về xác định nội hàm quản lý đối với vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp cũng chưa thật sự xuyên suốt, nhất quán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng chỉ ra những lúng túng trong việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như cơ chế quản lý của các doanh nghiệp nhà nước.

Những hạn chế về khuôn khổ pháp lý đã cản trở vai trò của doanh nghiệp nhà nước khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư của nhà nước và nguồn lực đất nước phân bổ cho khu vực kinh tế quan trọng này.

Trong khi đó, Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra mục tiêu là phải cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo quản trị theo chuẩn mực quốc tế nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Do đó, để triển khai mục tiêu này thì việc xây dựng dự án Luật thay thế cho Luật hiện hành là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, ý nghĩa và cấp thiết.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu, quá trình thẩm tra dự án Luật này cần bảo đảm nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo sự chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản nhà nước; gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

"Các quy định của Luật phải giải quyết, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay; đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" - Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thao-go-vuong-mac-trong-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-339714.html