Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 7/2019, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký phát hành hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là 279 doanh nghiệp. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đã xuất hóa đơn điện tử có mã là 255 doanh nghiệp.
Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, diễn đàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải và góp phần thúc đẩy lộ trình triển khai hóa đơn điện tử.
Theo đó, để thúc đẩy triển khai hóa đơn điện tử thì việc doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số sẽ giành được lợi thế rất lớn. Mặc dù, đa số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNNVV) thì cũng không thể đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, ai đi nhanh trong chuyển đổi số sẽ giành thắng lợi. Bản chất của chuyển đổi số là vận hành, tích hợp công nghệ số vào tất cả các tiến trình vận hành của một tổ chức nhằm mang lại nhiều giá trị tích cực cho tổ chức đó như tối ưu quy trình quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm chi phí... Đây chính là nền tảng cho các doanh nghiệp lớn lên và xóa đi khoảng cách giữa doanh nghiệp.
“Đây là cách tiếp cận khác để đưa hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, không bắt họ chịu thêm chi phí hay thủ tục nhưng phải nâng cấp, minh bạch hóa khu vực này. Chính phủ hiện đã bổ sung chương về hộ kinh doanh, tạo ra phiên bản mới của Luật Doanh nghiệp thời 4.0, tạo ra pháp lý chắp cánh cho khu vực hộ kinh doanh”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng này và đạt được những kỳ vọng trong tương lai, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Đầu tiên, những thói quen trong kinh doanh truyền thống là sự trở ngại vô cùng lớn bởi nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng hóa đơn giấy “bao tiện, bao lợi” cho cả người bán và người mua, rất khó thay đổi.
Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết của doanh nghiệp về công nghệ thông tin cũng là rào cản hạn chế việc áp dụng các phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, chi phí đầu vào cũng là một khó khăn với doanh nghiệp khi đầu tư vào các trang thiết bị như máy tính, kết nối mạng, dịch vụ đường truyền, hạ tầng thông tin nhiều nơi chưa đảm bảo sự thông suốt.
Trước đó, việc minh bạch là yếu tố để bảo vệ doanh nghiệp yếu thế và chuyển đổi số. Số hóa là cách để minh bạch hóa. Nhưng, nghịch lý lại diễn ra, khi một số doanh nghiệp hiện nay không muốn công khai minh bạch thông tin. Bởi nhiều doanh nghiệp muốn lợi dụng cách quản lý cũ để dễ bề gian lận nhằm mục đích mập mờ doanh thu, gian lận thuế, tìm mọi lý do để ngăn cản, trì hoãn việc triển khai hóa đơn điện tử. Điều này không chỉ gây khó khăn cho sự các nhà quản lý mà còn cản trở không nhỏ đến việc đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử trong thời gian tới.
Để giải quyết những vướng mắc này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đề nghị cần tạo ra nền tảng cho thực hiện hóa đơn điện tử, đồng bộ hóa trong triển khai hóa đơn điện tử của chính nội bộ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp; ban hành thông tư hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc triển khai hóa đơn điện tử; ban hành quy định, tiêu chuẩn cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kỹ thuật điện tử cho doanh nghiệp ứng dụng hóa đơn điện tử; bảo đảm việc kết nối giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành nhất là với các cơ quan thuế, bảo hiểm, kho bạc.
TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành lang pháp lý và lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử, để các doanh nghiệp hiểu rõ được những lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và triển khai thực hiện sớm loại hình dịch vụ này”.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thao-go-vuong-mac-trong-trien-khai-hoa-don-dien-tu-90500.html