Thảo luận Luật An toàn Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
PTĐT - Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật An toàn Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đoàn ĐBQH tỉnh cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Nai, Bình Định cùng tham gia thảo luận. Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
- Về dự thảo Luật An toàn Giao thông đường bộ (sửa đổi):
Sự cần thiết ban hành Luật: Luật An toàn Giao thông đường bộ (sửa đổi) khi ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ (GTĐB) và bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do đi lại của công dân. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật GTĐB năm 2008, nhất là trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý Nhà nước về phát triển hạ tầng GTĐB, phương tiện GTĐB gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông.Về phạm vi điều chỉnh dự Luật: Đa số ý kiến cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và đề nghị tiếp tục rà soát, phân biệt rõ phạm vi và các nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật này với dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB, bảo đảm bao quát, đầy đủ các nội dung được điều chỉnh trong Luật này và tránh trùng lặp, chồng chéo với dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB.Về quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị: Một số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng ùn tắc giao thông ở các đô thị hiện nay, nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị quá thấp, kể cả các đô thị xây dựng sau năm 2008 chưa tuân thủ quy định của Luật GTĐB năm 2008 (từ 16% đến 26%); trong khi đó, sự tăng nhanh, tăng mạnh về số lượng phương tiện giao thông và nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn, khu vực trung tâm có mật độ dân số cao… dẫn đến ùn tắc giao thông. Do đó các ý kiến cơ bản tán thành như dự thảo Luật về tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị như dự thảo Luật từ 16% đến 26%.Về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ: Một số ý kiến đề nghị cân nhắc không nên quy định việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn, cầu vượt để trông, giữ phương tiện GTĐB nhằm bảo đảm an toàn cho cầu vượt, cầu cạn bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời,việc bố trí địa điểm trông, giữ xe phải tuân theo quy hoạch tổng thể chung.Về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Dự Luật quy định “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”. Có ý kiến tán thành quy định trên; tuy nhiên, đề nghị quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện hoạt động để quản lý chặt chẽ, bảo đảm công bằng giữa các lại hình kinh doanh vận tải, nhất là khi xảy ra hậu quả mất an toàn cho hành khách thì phải có trách nhiệm theo quy định của pháp luật.Về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô: Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, hợp lý không gây tốn kém; đồng thời, gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo trong việc tổ chức hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông khi đưa đón học sinh. Về vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cân nhắc thời gian sử dụng xe ô tô nên kéo dài, không nên quy định là 15 năm vì việc sử dụng không nhiều như các loại hình vận tải khác.
- Về Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ:Sự cần thiết ban hành Luật: Luật GTĐB năm 2008 có phạm vi điều chỉnh gồm hai nội dung chính là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ. Việc tách lĩnh vực TTATGTĐB để xây dựng thành hai dự án luật chuyên ngành là phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.Về phạm vi điều chỉnh dự Luật: Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, trong đó có ý kiến đề nghị phân định rõ hơn phương tiện tham gia GTĐB nhằm tránh chồng chéo giữa Luật Bảo đảm TTATGTĐB với Luật GTĐB (sửa đổi).Về quy tắc giao thông đường bộ: Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định người đi bộ tự chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường, vì cho rằng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm TTATGTĐB và phải tổ chức phần đường dành cho người đi bộ qua đường.Về đấu giá biển số xe: Một số ý kiến tán thành với quy định đấu giá biển số xe, vì cho rằng phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, giúp tăng thu ngân sách nhà nước, hạn chế tiêu cực phát sinh, đồng thời tạo sự cạnh tranh công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu của người dân, có tham khảo kinh nghiệm một số nước đã làm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc đấu giá biển số xe, vì cho rằng biển số xe dùng để quản lý, kiểm soát xe cơ giới (tài sản công), sau khi thực hiện đấu giá (bán, mua) sẽ trở thành tài sản cá nhân, không còn giữ nguyên bản chất của biển số xe; hơn nữa, quy định này dẫn đến sự phân biệt đối xử trong việc cấp biển số xe. Về quy định điểm của giấy phép lái xe: Một số ý kiến cho rằng, việc quy định điểm của GPLX trong Luật này là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi; đề nghị bổ sung quy định học lại các nội dung đã phạm lỗi khi GPLX bị trừ đến một số điểm nhất định. Tuy nhiên, một số ý kiến không tán thành với việc bổ sung quy định này, vì cho rằng quy định hiện hành về xử lý vi phạm về TTATGTĐB tương đối đầy đủ, còn sơ hở, thiếu sót chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện; nếu bổ sung thêm hình thức trừ điểm GPLX sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho người được cấp GPLX.Chiều cùng ngày, Quốc hội xem xét một số nội dung liên quan đến công tác nhân sự cùng các nội dung quan trọng khác.