Thảo luận tại hội trường: Đề xuất nhiều giải pháp về quy hoạch, phát triển công nghiệp
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII, sáng 10-12, các đại biểu tham luận tại hội trường.
Đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch
Theo ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, công tác quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa Bắc Giang trở thành trung tâm phát triển của vùng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 15,1%/năm.
Tuy nhiên, chất lượng một số quy hoạch, kế hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; vẫn còn những vướng mắc, chồng chéo, không thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch; trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ làm công tác này còn hạn chế. “Thời gian tới, chúng ta cần phải đổi mới về nội dung và phương pháp xây dựng quy hoạch, kế hoạch từ tư duy quản lý đến chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch.”, ông Thắng nhấn mạnh.
Phát triển công nghiệp gắn với mô hình tăng trưởng bền vững
Tham luận về phát triển công nghiệp gắn với mô hình tăng trưởng bền vững của tỉnh, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận: Việc phát triển công nghiệp đã thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; giải quyết việc làm cho người lao động; tăng thu cho ngân sách. Cơ cấu ngành công nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp từ 31,2% năm 2015 lên 43% năm 2019.
Song thực tế, công tác quy hoạch còn nhiều bất cập; thu hút đầu tư hạ tầng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế; việc giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn; chưa có ngành công nghiệp chủ lực đóng vai trò dẫn dắt. Sở Công Thương sẽ tập trung quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường ở kênh, ao, hồ
Tại buổi thảo luận toàn thể tại hội trường, một số lãnh đạo sở cũng nêu nhiều vấn đề như: Giao dự toán thu, chi ngân sách; quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đáng chú ý, đại biểu HĐND tỉnh đại diện khu vực các huyện, thành phố đã nêu những kinh nghiệm, đề xuất giải pháp như: Giải pháp quản lý, xử lý ô nhiễm đối với môi trường các dòng sông, kênh, mương, ao, hồ; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa; công tác giải phóng mặt bằng.
Bà Hoàng Thị Phương, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa cho biết: Toàn huyện có 47 km kênh cấp 2 dẫn nước từ tỉnh Thái Nguyên. Do vậy, đây cũng là điểm nóng về rác thải trên dòng kênh, xác động vật chết trôi nổi, nhất là đoạn cuối kênh sau mỗi đợt dẫn nước về, là nguồn lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý môi trường và khiến nhân dân bức xúc.
Ngoài việc ban hành các văn bản, UBND huyện chỉ đạo các xã tổ chức cho người dân ký cam kết không vứt rác thải bừa bãi, bảo vệ môi trường. Đến nay 100% các hộ cá thể, trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện đều thực hiện cam kết về công tác bảo vệ môi trường. UBND huyện đã thực hiện lắp 24 rào chắn rác trên dòng kênh cấp 2 để giảm tải rác thải đổ dồn về các xã cuối kênh, đồng thời xác định nguồn gốc rác thải trên kênh để gắn trách nhiệm cho các địa phương trong công tác quản lý, xử lý.
Chiều nay (10-12), HĐND tỉnh tiến hành nội dung chất vấn, trả lời chất vấn.
Báo Bắc Giang tiếp tục cập nhật thông tin.
Nhóm PV