THẢO LUẬN TẠI TỔ 07: CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỂ NGƯỜI DÂN THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BỀN VỮNG

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Tổ số 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre. Các đại biểu cho rằng, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật.

Liên quan đến công tác phát triển đối tượng và việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm 2,6% so với năm 2019; trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là tăng hơn 2 lần so với năm 2019. Nữ đại biểu cho rằng, ngành bảo hiểm xã hội hội Việt Nam đã đưa ra rất nhiều giải pháp để huy động và đảm bảo chỉ tiêu về bảo hiểm, số người tham gia bảo hiểm xã hội (cả bắt buộc và tự nguyện) so với năm 2019. Đại biểu nhấn mạnh, đây là nỗ lực rất lớn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, trong tình hình dịch bệnh COVID-19, để thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều khó khăn, bất cập đối với cán bộ, công chức bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm xã hội nước ta đã thực hiện rất tốt việc thanh toán bảo hiểm xã hội; việc ứng dụng công nghệ thông tin, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội đều cải thiện hơn so với năm 2019. Nữ đại biểu bày tỏ đánh giá rất cao những nỗ lực của bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, tại phiên họp, các đại biểu cũng chỉ ra, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025, tuy nhiên, mức đóng có xu hướng giảm nhanh. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 chỉ đạt 93,8% kế hoạch; chiếm tỷ lệ trên 31% lực lượng lao động trong độ tuổi và sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu năm 2021.

Bên cạnh đó, mặc dù ngành bảo hiểm xã hội đã đầu tư và ứng dụng rất lớn về công nghệ thông tin, nhưng việc sử dụng các số liệu để phục vụ công tác báo cáo còn chưa phù hợp, chưa kịp thời và chưa sát với số liệu quyết toán… nên rất khó khăn trong việc theo dõi, đánh giá, thẩm tra, thậm chí làm cho một số đánh giá, nhận định trái ngược, không sát thực ....

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu

Nhiều ý kiến cho rằng nếu như chúng ta không có các giải pháp cụ thể thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra nhất là trong bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID-19, nó sẽ ảnh hưởng đến cả giai đoạn này cho đến năm 2025. Đặc biệt là những giải pháp làm sao đảm bảo được chế độ bảo hiểm xã hội được thanh toán đầy đủ cho người lao động để người lao động an tâm với những chính sách an sinh của quỹ bảo hiểm xã hội và tham gia một cách bền vững.

Để đạt được mục tiêu đặt ra đối với ngành bảo hiểm xã hội đến năm 2025, Chính phủ cần quan tâm trong xây dựng chính sách bảo hiểm kinh doanh và cũng sửa đổi một số quy định của bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng đảm bảo quyền lợi từ chính sách an sinh của bảo hiểm xã hội cho người tham gia, góp phần thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội một cách lâu dài, bền vững.

Ngoài các vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, công tác thanh tra chuyên ngành của bảo hiểm xã hội năm 2020 giảm 54% so với năm 2019, hiệu quả của công tác thanh tra cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý của các bộ ngành. Đồng thời, đề nghị thực hiện công tác thanh tra cả ở lĩnh vực chi trong bảo hiễm xã hội trong thời gian tới.

Các đại biểu cũng chỉ ra, một số chính sách, quy định được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống; nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Trong thời gian tới, các đại biểu để nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng. Đồng thời, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định; bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng; tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội và có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần./.

Thu Phương – Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59767